Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Thi hành án dân sự

11/10/2024
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Thi hành án dân sự
Ngày 11/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Thứ trưởng Mai Lương Khôi và Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi làm việc với Tổng Cục thi hành án dân sự (THADS) về Luật THADS (sửa đổi) và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Tham dự buổi làm việc có Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái; các Phó Tổng cục Trưởng: Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Thắng Lợi và Trần Thị Phương Hoa. Ngoài ra còn có các lãnh đạo, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục.
 

Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái phát biểu tại buổi làm việc.
 
Báo cáo Kết quả công tác của Tổng cục THADS trong năm 2024, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi cho biết, trong bối cảnh số việc, số tiền phải thi hành đều tăng so với cùng kỳ năm 2023 (tăng hơn 11,2% về việc; 49,4% về tiền), toàn Hệ thống THADS đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để thực hiện hoàn thành và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. 
Kết quả đạt được đảm bảo thực chất, mang tính bền vững và tăng đều trên tất cả các phương diện; các mặt công tác khác đều đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, kết quả thi hành án về việc, về tiền (đã thi hành xong 620.657 việc tương ứng với hơn 116.531 tỷ đồng) đạt tỉ lệ gần 84% về việc và gần 52% về tiền; Kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng đạt 23,13%, tương ứng 30.544 tỷ đồng (đạt 25,01%); Kết quả thi hành án tham nhũng, kinh tế: đã thi hành xong 9.211 việc, thu được trên 22.177 tỷ đồng; đạt tỉ lệ 84,16% về việc và 57,29% về tiền.
Trong thời gian tới, Tổng cục THADS tiếp tục quán triệt, tham mưu cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước liên quan đến lĩnh vực  THADS, Thi hành án hành chính (THAHC); Tổ chức triển khai các nhiệm vụ công tác THADS, THAHC ngay từ những tháng đầu năm công tác 2025; tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025, xây dựng Chương trình trọng tâm của trong lĩnh vực THADS, THAHC năm 2025 và giao chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, THAHC năm 2025…
Báo cáo về nhiệm vụ xây dựng dự thảo Luật THADS (sửa đổi), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn cho biết, dự án Luật THADS (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn báo cáo tại buổi làm việc.
 
Dự thảo Luật THADS (sửa đổi) hiện nay giữ nguyên kết cấu của Luật hiện hành với 9 chương và 235 điều, trong đó có 54 điều xây dựng mới, 93 điều được sửa đổi, bổ sung (chiếm 52% tổng số điều luật hiện hành). 
Những nội dung sửa đổi, bổ sung được phân bổ đầy đủ theo 5 nhóm vấn đề/chính sách đã được thông qua trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm vấn đề/chính sách về trình tự, thủ tục thi hành án; xác định đây là khâu đột phá của dự thảo lần này với 26 điều mới và sửa đổi, bổ sung 64/180 điều luật hiện hành.
Cụ thể, Nhóm vấn đề thứ nhất quy định đầy đủ phạm vi bản án, quyết định do cơ quan THADS tổ chức thi hành, hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản trong THADS, tạo đồng bộ, thống nhất với các Luật có liên quan. Nhóm vấn đề thứ 2: hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người tham gia THADS khác. Nhóm vấn đề thứ 3: hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống Cơ quan THADS; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan THADS, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong THADS; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong THADS…
Ngoài ra, Dự thảo Luật THADS (sửa đổi) đã bổ sung quy định về bảo vệ Chấp hành viên, công chức THADS để cụ thể hóa những quy định của Bộ Chính trị và những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong năm 2024 của Tổng cục THADS và các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các đại biểu còn cho ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật THADS (sửa đổi) như: tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan (các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp…); các biện pháp bảo vệ Chấp hành viên, chế độ chính sách đối với Chấp hành viên và người làm công tác thi hành án; tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát nội bộ trong hệ thống THADS,...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm 2024 của Tổng cục THADS và chia sẻ những khó khăn, thách thức mà hệ thống THADS đang gặp phải, đặc biệt là trong vấn đề thể chế. Do vậy, Thứ trưởng mong muốn Luật THADS (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý để dễ dàng áp dụng về thủ tục trong thực tiễn. Thứ trưởng cũng cho rằng, với khối lượng công việc vô cùng lớn nhưng đội ngũ cán bộ chưa thật sự đồng đều, từ đó đặt ra bài toán về mô hình tổ chức, cân nhắc tập trung nguồn lực. Đồng thời, Lãnh đạo Tổng cục THADS cũng cần quyết liệt trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thi hành án..
 

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
 
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của hệ thống THADS đã đạt được trong thời gian qua với khối lượng công việc ngày càng lớn, tính chất phức tạp ngày càng nhiều. Bộ trưởng đề nghị Tổng cục THADS tiếp thu tối đa các ý kiến, đề xuất tại buổi làm việc để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Đối với việc xây dựng Luật THADS (sửa đổi), Bộ trưởng cho rằng 5 nhóm chính sách lớn được Chính phủ thông qua đã có đủ dư địa để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS. Bên cạnh việc tiếp tục xây dựng Dự thảo Luật, Tổng cục THADS cần chủ động nghiên cứu đề xuất phương án, làm sao để phát huy, nâng cao hiệu quả của công tác này; đồng thời cần nghiên cứu thêm về các vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục, thẩm quyền, xã hội hóa trong công tác THADS.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị Tổng cục THADS tiếp tục quán triệt văn bản, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và nhà nước; cần phải phát huy hơn nữa vai trò, chức năng nhiệm vụ của Tổng cục THADS trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát; Xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh, phát huy những thành tích đã đạt được; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Chấp hành viên thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
 
Thu Nga