Việt Nam tham dự Hội nghị Quan chức Pháp luật cấp cao ASEAN lần thứ 23

10/10/2024
Việt Nam tham dự Hội nghị Quan chức Pháp luật cấp cao ASEAN lần thứ 23
Nhận lời mời của Bộ Pháp luật Singapore, Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam do ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Quan chức pháp luật cao cấp ASEAN lần thứ 23 (ASLOM 23) và các hội nghị liên quan từ ngày 09-11/2024 tại Singapore. Tham gia Đoàn liên ngành có đại diện của Bộ Ngoại giao (Vụ ASEAN) và Bộ Công an (Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp).
Hội nghị ASLOM 23 lần này do Bà Sarala Kumari SUBRAMANIAM, Vụ trưởng Vụ các vấn đề quốc tế và tư vấn, Bộ Pháp luật Singapore, Trưởng ASLOM Singapore chủ trì, có sự tham dự của đầy đủ các nước thành viên ASEAN, Timo Leste (vai trò quan sát viên) và đại diện Ban Thư ký ASEAN (ông Nararya S. Soeprapto, Phó Tổng Thư ký ASEAN).
Tại phiên khai mạc Hội nghị ASLOM 23 ngày 10/10/2024, Trưởng đoàn các nước thành viên ASEAN đã có bài phát biểu mở đầu, trong đó Trưởng đoàn Việt Nam nhân mạnh: “Là một phần không thể thiếu trong hợp tác chính trị-an ninh của ASEAN, hợp tác pháp luật và tư pháp thông qua khuôn khổ ALAWMM và ASLOM đã có những đóng góp lớn vào việc thúc đẩy pháp quyền và xây dựng một cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ. Việt Nam tin tưởng rằng ASEAN đã, đang và sẽ có những tiến bộ đáng kể hướng tới việc thúc đẩy Cộng đồng ASEAN có khả năng ứng phó với các tội phạm xuyên quốc gia và duy trì pháp quyền. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự liên kết nội và ngoại khối ASEAN không ngừng được củng cố và mở rộng, dẫn đến sự gia tăng các vấn đề pháp lý và tư pháp xuyên quốc gia. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam đánh giá cao sự tham gia tích cực của các ASLOM với các đối tác bên ngoài, hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN có nhiều cơ hội tiếp cận các thông lệ pháp lý và tư pháp quốc tế, thúc đẩy hợp tác về các vấn đề cùng quan tâm. Năm 2025 sẽ là năm quan trọng đối với ASEAN cũng như ASLOM, ASEAN đang nỗ lực hết mình để hoàn thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và tiến tới xây dựng một ASEAN tự cường, sáng tạo, năng động, lấy người dân làm trung tâm qua việc các nước thành viên ASEAN thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Vào năm 2025, ASLOM cũng sẽ kỷ niệm 40 năm thành lập, cùng điểm lại những kết quả mà ASLOM đã đạt được, những bước đột phá lớn, thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ và mạnh mẽ hơn giữa ASLOM và các đối tác bên ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là lúc ASEAN đánh giá lại các mục tiêu ưu tiên để ASLOM ngày càng trở thành một khuôn khổ hợp tác có tính hiệu quả, thực chất hơn. Việt Nam cũng đánh giá cao kết quả của Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Tư pháp ASEAN –Nhật Bản lần thứ nhất và Phiên họp Bộ trưởng Tư pháp ASEAN – G7 được tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 7/2023. Việt Nam tái khẳng định cam kết tiếp tục tham gia tích cực cùng các nước thành viên ASEAN thông qua sáng kiến ​​và hoạt động đa dạng do ASLOM và các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN thực hiện. Những nỗ lực chung đó sẽ trao quyền cho ASEAN để giải quyết hiệu quả các thách thức mới nổi trong một thế giới có nhiều biến động khó lường”.
 

Trước đó, vào chiều ngày 9/10 đã diễn ra Phiên họp lần thứ 13 Nhóm Công tác ASLOM về hài hòa hóa pháp luật thương mại các nước ASEAN. Theo chương trình nghị sự, Hội nghị ASLOM 23 sẽ diễn ra đến hết ngày 11/10 với các nội dung như: tình hình thực hiện trao đổi các đoàn công tác, nghiên cứu, tham dự hội nghị, hội thảo, khoá đào tạo trong khuôn khổ ASEAN; chương trình đào tạo cán bộ pháp luật ASEAN; tổ chức các Diễn đàn pháp luật ASEAN; cập nhật danh bạ các cơ quan pháp luật ASEAN; tự do hóa các nghề pháp lý tại các nước thành viên ASEAN; Hội nghị Hội đồng Chánh án ASEAN; phối hợp với Hội Luật gia ASEAN; sáng kiến của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại; xây dựng Hiệp định ASEAN về dẫn độ; triển khai hoạt động của Nhóm công tác cấp kỹ thuật của các quốc gia có chung ý tưởng về chuyển giao người bị kết án phạt tù; Sáng kiến của Thái Lan về tổ chức Hội nghị ASEAN về Phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự; các đề xuất/sáng kiến mới của nước thành viên ASEAN, việc phối hợp giữa ASLOM với các cơ quan chuyên ngành khác của ASEAN,...
 

 
Vụ Hợp tác quốc tế./.