Thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu

06/09/2024
Thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu
Ngày 06/9, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định Luật Dữ liệu. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp.
Bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu, thông tin
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số như Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;…
 

Đồng chí Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (V03), Bộ Công an.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, việc phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu, đã đạt được một số kết quả tích cực như: Bước đầu khởi tạo và hình thành được 07 Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia; một số CSDL quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các Trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu vẫn tồn tại một số hạn chế như: nhiều CSDL được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa được chuẩn hóa, thống nhất về tiêu chuẩn, danh mục; các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, chưa đạt các tiêu chuẩn quy định, không bảo đảm mức độ an ninh, an toàn hệ thống, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp;…
 

Đại diện Bộ Công an trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.

Do vậy, việc xây dựng Luật Dữ liệu là cần thiết, cấp thiết để thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các CSDL, phục vụ công tác quản lý nhà nước; qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Làm rõ quyền của chủ sở hữu dữ liệu
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung của dự thảo Luật Dữ liệu. Đồng chí Vũ Tuấn Anh, Trưởng phòng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, hiện nay các Bộ, ngành đã và đang xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyển đổi số. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo Luật Dữ liệu, đặc biệt là các khái niệm với các Luật liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử… Cùng với đó, đồng chí đề nghị làm rõ phạm vi, mục đích, yêu cầu của CSDL tổng hợp quốc gia; đánh giá kỹ tác động về việc lưu trữ dữ liệu (CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, CSDL mở) tại nhiều nơi và tính đồng bộ của CSDL này với các CSDL khác, tránh gây lãng phí tài nguyên, nguồn lực để duy trì, phát triển, gây ảnh hưởng đến tính chính xác, kịp thời và tính đúng, đủ, sạch, sống của dữ liệu...
 

Đồng chí Vũ Tuấn Anh, Trưởng phòng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ.

Về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ việc thành lập, cách thức cơ quan quản lý Quỹ, bảo đảm không tăng thêm tổ chức, biên chế theo quy định của Đảng, Nhà nước; đồng thời đánh giá hiệu quả của Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia...
Đại diện Bộ Nội vụ đề nghị cơ quan chủ trì rà soát, không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào luật theo tinh thần Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, đồng chí đề nghị bỏ Chương IV (Trung tâm dữ liệu quốc gia) vì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Trung tâm dữ liệu Quốc gia sẽ được quy định cụ thể tại Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an và văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Trung tâm dữ liệu Quốc gia.
 

Đại diện Bộ Nội vụ.

Về việc đặt tập trung máy chủ của các CSDL quốc gia do các bộ, ngành, tổ chức chính trị, chính trị xã hội và địa phương đang quản lý vào Trung tâm dữ liệu quốc gia, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc và đánh giá kỹ tác động vì việc này có thể gây lãng phí nguồn lực khi mỗi bộ, ngành đều phải cử nhân lực để vận hành tại Trung tâm. Theo đồng chí, dự thảo Luật chỉ nên quy định việc kết nối, chia sẻ CSDL với CSDL tổng hợp quốc gia.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số, trong đó phạm vi điều chỉnh cũng là dữ liệu. Vì vậy, để tránh sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật, đồng chí đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát nội dung của 2 dự thảo.
 

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cùng với đó, hiện dự thảo Luật có quy định các quyền của chủ sở hữu dữ liệu, tuy nhiên, quyền sở hữu gồm nhiều loại như quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Do đó, cơ quan chủ trì cần làm rõ quyền sở hữu của chủ sở hữu tại dự thảo Luật là loại quyền nào, đối với loại dữ liệu nào, cách thức xác lập quyền như thế nào, cơ quan nào sẽ công nhận quyền của chủ sở hữu. Ngoài ra, cơ quan chủ trì cũng cần làm rõ việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài; quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành trong khai thác, sử dụng dữ liệu.
Tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của quốc tế trong việc xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Công an trong việc xây dựng Luật Dữ liệu; tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế trong việc xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu. Bên cạnh đó, để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát nội dung của dự thảo Luật và lược bỏ những nội dung đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 47/2024/NĐ-CP về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia …
 

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp.
 
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về việc thu thập, số hoá dữ liệu; chi phí vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia, Quỹ phát triển dữ liệu; xác định rõ nội dung áp dụng Luật Dữ liệu tại Điều 4 dự thảo; việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia …
Anh Thư - Trung tâm Thông tin