Thực hiện giám sát điện tử đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng

06/09/2024
Thực hiện giám sát điện tử đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng
Đây là một trong ba chính sách được Bộ Công an đề xuất tại phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) vào ngày 06/9. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp.
Công tác thi hành án hình sự đi vào nền nếp, nghiêm minh, chặt chẽ
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, Luật Thi hành án hình sự số 41/2019/QH14 được Quốc hội khoá XIV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Qua 04 năm triển khai thực hiện, công tác thi hành án hình sự từng bước đi vào nền nếp, thống nhất, nghiêm minh, chặt chẽ, các quyền và chế độ của phạm nhân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần phục vụ có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và thể hiện được chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội.
 

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (V03), Bộ Công an.

Bên cạnh kết quả đạt được, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc như: chưa có cơ sở pháp lý vững chắc trong thực hiện tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam; một số quy định Luật Thi hành án hình sự chưa đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành; việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin chưa được chú trọng, đẩy mạnh; công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng chưa được đổi mới, chủ yếu vẫn thực hiện theo phương thức “thủ công”.
 

Đại diện Bộ Công an trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.

Vì vậy, việc xây dựng Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) là cần thiết nhằm tiếp tục nâng cao, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án hình sự; tiếp tục cụ thể hóa quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong hoàn thiện cơ chế thi hành án hình sự và việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin trong quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi sẽ đổi mới phương thức quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng; góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Đổi mới, thay đổi phương thức quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung trong Luật Thi hành án hình sự. Đồng chí Bùi Mạnh Tân, đại diện Bộ Quốc phòng nhất trí việc sửa đổi Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) là cần thiết, đặc biệt là phải đổi mới, thay đổi phương thức quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng (người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, người chấp hành án phạt cấm cư trú, người chấp hành án phạt quản chế) từ phương pháp thủ công truyền thống sang phương pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật như giám sát điện tử. Bên cạnh đó, hiện việc xây dựng cơ sở giam giữ phạm nhân tại Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chưa có quy chuẩn chung. Do đó, để đảm bảo sự thống nhất, an toàn, an ninh, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu xây dựng mẫu thiết kế mô hình cơ sở giam giữ phạm nhân, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho công trình thuộc mô hình này.
 

Đồng chí Bùi Mạnh Tân, đại diện Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên họp.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, đại diện Toà án nhân dân tối cao cũng nhất trí việc bổ sung biện pháp giám sát điện tử đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng để tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin trong hoạt động thi hành án. Tuy nhiên, đồng chí đề nghị cơ quan làm rõ căn cứ nào để xác định số lượng là 600 đối tượng được áp dụng biện pháp giám sát điện tử; đồng thời tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế trong việc xác định đối tượng chi trả kinh phí khi thực hiện biện pháp giám sát này.
 

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, đại diện Toà án nhân dân tối cao phát biểu tại phiên họp.

Đồng chí cũng cho biết, hiện Toà án nhân dân tối cao đang xây dựng dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, trong đó có quy định về biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và thi hành án phạt tù với người chưa thành niên. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Toà án nhân dân tối cao rà soát nội dung dự thảo 2 Luật để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng cho ý kiến về một số nội dung khác như: lựa chọn hình thức văn bản là Luật sửa đổi hay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều; đánh giá cụ thể tác động về nguồn nhân lực để bảo đảm triển khai Trung tâm quản lý giám sát điện tử (vị trí, chức năng, cơ cấu, mô hình tổ chức...) và mô hình cơ sở giam giữ phạm nhân (Trung tâm chỉ huy, điều hành; Trung tâm giám sát an ninh; các công trình phục vụ việc quản lý giam giữ, hoạt động tố tụng hình sự, dân sự; phòng xét xử trực tuyến...); căn nhắc quy định về phạm nhân được tham gia bảo hiểm y tế…
Cần đánh giá kỹ tính khả thi, tính dự báo của các chính sách được đề xuất
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để lựa chọn hình thức văn bản là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều hay là Luật sửa đổi; đồng thời rà soát nội dung các chính sách với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Căn cước công dân, Luật Bảo hiểm y tế, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác…  và với các cam kết, điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên, các khuyến nghị của quốc tế.
Để củng cố bộ hồ sơ đề nghị, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan chủ trì lựa chọn những cơ sở chính trị, pháp lý liên quan trực tiếp đến thi hành án hình sự; phân tích, làm rõ vướng mắc nào là do quy định pháp luật, vướng mắc nào là do tổ chức thực hiện để đề xuất giải pháp tháo gỡ phù hợp; đánh giá tác động của chính sách tới thủ tục hành chính và tới giới…
 
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận phiên họp.

Cho ý kiến về từng chính sách cụ thể, đối với chính sách 1 “Quy định thực hiện giám sát điện tử đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng”, Thứ trưởng cho biết đây là nội dung mới, đòi hỏi chi phí đầu tư, vận hành lớn. Vì vậy, cần đánh giá kỹ nguồn nhân lực, tài chính để đảm bảo triển khai hiệu quả; nếu cần thiết có thể học hỏi, tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế về phạm vi, cơ chế, đối tượng áp dụng… Cùng với đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần đánh giá nguồn lực vận hành Trung tâm giám sát điện tử và làm rõ mối quan hệ trong cơ chế hoạt động, nhiệm vụ quyền hạn, mô hình tổ chức giữa Trung tâm này với Trung tâm quản lý thiết bị giám sát điện tử tại Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú đang được Bộ Công an chủ trì xây dựng.
Đối với chính sách 2 “Hoàn thiện quy định về mô hình cơ sở giam giữ”, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì cung cấp thêm thông tin thực tiễn về tình trạng, cách vận hành của Trung tâm chỉ huy, điều hành; Trung tâm giám sát an ninh; các công trình phục vụ việc quản lý giam giữ, hoạt động tố tụng hình sự, dân sự; phòng xét xử trực tuyến.
Đối với chính sách 3 “Hoàn thiện các quy định của Luật Thi hành án hình sự còn vướng mắc, bất cập để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn”, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì bóc tách chính sách thành từng nội dung chi tiết, cụ thể; cân nhắc điều chỉnh tên chính sách thành “các chế độ, chính sách cho phạm nhân”; đồng thời bổ sung tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 54/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
 Anh Thư - Trung tâm Thông tin