Tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi)

22/08/2024
Tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi)
Ngày 22/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi và Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi). Tham dự phiên họp có đại diện 16 Bộ, ngành và 03 Ủy ban nhân dân (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng) là thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập.
Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về công tác THADS
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Quang Thái cho biết, quá trình xây dựng dự thảo Luật THADS đã tập trung thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác THADS, đặc biệt là Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và gần đây nhất là Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi 
 
Thể chế hóa 05 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật THADS (sửa đổi) đã được thông qua
Việc xây dựng Dự án Luật THADS (sửa đổi) đã bám sát 05 chính sách đã được thông qua cụ thể:
- Quy định đầy đủ phạm vi bản án, quyết định do cơ quan THADS tổ chức thi hành, hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản trong THADS.
- Hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người tham gia THADS khác.
- Hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống Cơ quan THADS; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan THADS, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong THADS; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong THADS.
- Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả THADS.
- Tăng cường các điều kiện bảo đảm, đáp ứng yêu cầu quản lý và hoạt động THADS.

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật
Thường trực Ban soạn thảo đã và đang tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật có liên quan như: Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng dân sự; Bộ luật Hình sự; Luật Thi hành án hình sự; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Trọng tài thương mại; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Phí, lệ phí; Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý thuế; Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân…đặc biệt là rà soát các đạo luật mới được Quốc hội thông qua như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Đất đai; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Kinh doanh bất động sản,…để đảm bảo trong quá trình quy phạm hóa các chính sách thống nhất, đồng bộ; đồng thời nghiên cứu để kế thừa quy định luật hiện hành, Luật hóa một số quy định tại Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành. 

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn THADS
Tại phiên họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn của công tác THADS, từ đó đề xuất các định hướng giải pháp để hoàn thiện các quy định của Luật THADS: về mở rộng quyền cho người được thi hành án; siết chặt hơn trách nhiệm của người phải thi hành án; hoàn thiện các nhiệm vụ, quyền hạn của người có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức trong THADS để kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong THADS; về việc xác định điểm dừng, rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án; về việc nâng cao chất lượng đội ngũ Chấp hành viên; quy định rõ hơn trình tự thu hồi tài sản cho nhà nước; sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan...
 
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng
 
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí về việc phải có cơ chế bảo vệ Chấp hành viên đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật liên quan; nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án, đặc biệt là trong công tác xác minh điều kiện thi hành án. Đồng thời, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện, luật hóa các chế tài phù hợp với các đạo luật khác có liên quan để thực hiện đảm bảo các hoạt động thi hành án được thực thi đạt hiệu quả cao. Cần nghiên cứu, thiết kế các điều luật về trách nhiệm, quyền hạn của Viện kiểm sát trong THADS cho phù hợp, đảm bảo tương thích của hệ thống pháp luật.
Sau khi nghe các ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị Ban soạn thảo và Tổ biên tập ghi nhận đầy đủ các ý kiến để chọn lọc, tiếp thu và tiếp tục rà soát. Thứ trưởng nhấn mạnh, việc xây dựng Dự án Luật THADS (sửa đổi) được coi là thách thức lớn với cơ quan chủ trì soạn thảo vì đây là Luật có tác động xã hội lớn, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của rất nhiều cơ quan, bộ, ngành. Do đó Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tập trung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ, các thành viên Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, góp ý, Tổ biên tập tiếp tục phát huy vai trò của mình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, các đơn vị của Bộ Tư pháp để hoàn thiện dự thảo theo đúng tiến độ.
 
 
Tổng Cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Quang Thái báo cáo tại phiên họp.
 
Hình ảnh các đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên họp:
 



Các đại biểu khác cho ý kiến đóng góp tai cuộc họp.
 
TCTHADS