Thực hiện Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới, ngày 21/8, Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) phối hợp với Cục Phổ biến giáo dục pháp luật và Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cùng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tổ chức Toạ đàm “Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh tới dự và phát biểu tại Toạ đàm. TS. Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo PLVN; TS. Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đồng chủ trì và điều hành Toạ đàm.
Đến dự Tọa đàm có đại diện các Bộ, ngành chức năng, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; các chuyên gia, nhà khoa học, các luật sư, doanh nhân, doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được xác định là giải pháp để Đảng, Nhà nước, nhân dân ta thực hiện được các mục tiêu phát triển đất nước đã được Nghị quyết Trung ương xác định đến năm 2030 - 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 - 100 năm thành lập nước và xây dựng nước Việt Nam hùng cường - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc Toạ đàm.
"Đây không chỉ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, mà cần phải có sự tham gia của mọi chủ thể trong xã hội với yêu cầu là năm 2030, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi tổ chức, cá nhân và hoàn thành các mục tiêu tổng quát đã được Nghị quyết xác định: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng XHCN vào năm 2045", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, để có Nhà nước pháp quyền trên thực tế thì tinh thần pháp trị cần phải được thẩm thấu trong tổ chức và hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân, đó là: xã hội pháp quyền, chính quyền pháp quyền, tổ chức pháp quyền, công dân pháp quyền. Từ đó, đặt ra yêu cầu lan tỏa tinh thần, tư tưởng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến mọi người dân Việt Nam để cùng hệ thống chính trị xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN với các mục tiêu, nhiệm vụ như đã được xác định tại Nghị quyết 27.
Do đó, Thứ trưởng đề nghị Báo Pháp luật Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trong đó chú trọng làm rõ ý nghĩa của việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam để từng người dân nhận thức được giá trị của pháp luật; yêu cầu của việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật hiệu quả trong việc bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của chính mình trong đời sống xã hội và hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; để từ đó, người dân chủ động, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Cụ thể, trong chuyên mục “Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, Báo Pháp luật Việt Nam cần xây dựng các tuyến bài, huy động sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong mọi lĩnh vực để khai thác các khía cạnh về lý luận và thực tiễn xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Qua đó, tạo nên cách tiếp cận mới của công chúng về Nhà nước pháp quyền XHCN theo hướng đây không phải là vấn đề lý luận khoa học, chính trị pháp lý khô cứng, khó tiếp cận mà là vấn đề thiết thực, gắn liền với đời sống hằng ngày và mưu cầu hạnh phúc, phát triển, thành đạt của mỗi công dân Việt Nam.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Tư pháp trong thời gian tới, trọng tâm là hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết số 27 nói chung và phối hợp với Báo PLVN tham gia đăng tải các bài viết trên Chuyên mục “Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” nói riêng.
Tại Tọa đàm, PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, để xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam, cần xác định ba trụ cột cốt lõi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc”, “Dân là chủ”, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân.
"Vì vậy, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đảm bảo thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân phải do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phải đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phải hoàn thiện cơ chế hữu hiệu để Nhân dân thực sự thực hiện quyền làm chủ của mình, hoàn thiện, cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, PGS.TS. Vũ Văn Phúc khẳng định.
Đồng chí Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cho biết, qua giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ XHCN, MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; đồng thời, góp phần tiếp tục thể hóa và cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Đồng chí Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Đồng chí cũng khẳng định MTTQ đã từng bước phát huy ngày càng tốt hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình được khẳng định trong Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Luật MTTQ Việt Nam và hệ thống pháp luật hiện hành. Đặc biệt, trong thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tiếp tục phát huy nền dân chủ XHCN, cùng Đảng và Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam kết luận Tọa đàm.
Kết luận Tọa đàm, Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam trân trọng cảm ơn các ý kiến tham luận, ý kiến đa chiều trong hơn 3 giờ Tọa đàm diễn ra; đồng thời khẳng định kết quả Tọa đàm, các ý kiến tham gia Tọa đàm sẽ tiếp tục được ghi nhận, đăng tải trên các ấn phẩm của Báo. Đồng chí mong muốn các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam đóng góp những ý kiến sâu sắc, thiết thực, góp phần triển khai Nghị quyết 27 mang lại thành quả như mong muốn.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin