Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi thăm và làm việc với Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế

19/08/2024
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi thăm và làm việc với Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế
Chiều ngày 19/8, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Mai Lương Khôi làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế. Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nguyễn Văn Hưng cùng lãnh đạo các phòng, ban tiếp và làm việc với đoàn.
Báo cáo với Đoàn công tác, Giám đốc Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Hưng cho biết, thời gian qua, bám sát chương trình công tác và sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã triển khai các mặt công tác với nhiều phương pháp đổi mới, tạo chuyển biến tích cực, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của tỉnh, của ngành.
Sở Tư pháp triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Sở Tư pháp thực hiện thẩm định 109 dự thảo văn bản QPPL; tổ chức kiểm tra 106 văn bản quy QPPL do HĐND, UBND các huyện, thành phố Huế ban hành. Ngoài ra, thực hiện rà soát, lập danh mục đối với 721 văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành còn hiệu lực đến ngày 31/3/2024 để chuẩn bị làm việc của Đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương về công tác văn bản tại địa bàn tỉnh (ngày 23/8/2024)...
 
Quang cảnh buổi làm việc

Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật của nhân dân. Ngoài các hình thức, biện pháp PBGDPL truyền thống như hội nghị, hội thảo, đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng việc xây dựng, vận hành cổng/trang thông tin điện tử PBGDPL gắn với thực hiện chuyển đổi số trong PBGDPL. Đồng thời khai thác triệt để các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, tương tác và ứng dụng mạng xã hội,… để PBGDPL.
Về công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, chứng thực, bồi thường nhà nước, thời gian qua, Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động hướng dẫn thực hiện thống nhất, với tinh thần hỗ trợ, linh hoạt tối đa về công tác khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, bảo đảm tất cả các sự kiện hộ tịch được đăng ký đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật hộ tịch và cập nhật kịp thời trên phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung.
 
Đại diện Phòng Tư pháp thành Huế trình bày với đoàn công tác về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động tư pháp

Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện số hóa dữ liệu từ sổ hộ tịch giấy vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; tính ngày 15/8/2024, đẩy lên và đã duyệt phần mềm 158 là 1.131.321 trường hợp (tỷ lệ 90%); đã chuyển Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc là 972.327 (tỷ lệ 77%).
Đặc biệt trong năm 2024, cùng với thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thực hiện việc thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhờ sự quan tâm phối hợp của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các cơ quan liên quan nên kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp đúng hạn đạt 97%.
 

Trưởng phòng xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Sở Tư pháp nêu những khó khăn trong công tác xây dựng văn bản, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
 
Tại buổi làm việc, đại diện các phòng của Sở Tư pháp đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động tư pháp như: Việc số hóa dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch giấy vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc tại địa bàn tỉnh còn chậm theo kế hoạch đề ra do phát sinh một số vấn đề khách quan làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; Hiện nay, trên phần mềm 158 và quá trình chuyển dữ liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử hộ tịch toàn quốc vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến một số dữ liệu không thể chuyển lên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử hộ tịch toàn quốc.
Ngoài ra, Sở Tư pháp đã thực hiện kết nối giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với hệ thống phần mềm dịch vụ công liên thông với 2 nhóm thủ tục liên thông theo Đề án 06. Tuy nhiên, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh thay đổi mô hình kết nối so với triển khai trước đây, do đó, khối lượng công việc điều chỉnh nhiều như thực hiện mới kết nối khai sinh, khai tử giữa hệ thống của tỉnh và hệ thống hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp. Mặt khác, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai chính quyền điện tử và chuyển đổi số đang quá tải...
 
Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp giải đáp các thắc mắc tại buổi làm việc

Từ đó, đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Đoàn công tác nhằm nâng cao hiệu quả công tác Tư pháp và Thi hành án dân sự trong thời gian tới. Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cũng đã giải đáp một số kiến nghị của các đại biểu.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả công tác Tư pháp mà tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong thời gian qua, đã góp phần hiệu quả vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ luôn luôn chia sẻ và đồng hành với cán bộ Tư pháp các cấp. Thứ trưởng cũng đã chia sẻ và giải thích những khó khăn mà đại diện lãnh đạo Phòng Tư pháp thành phố, phường, xã đã nêu tại buổi làm việc; với các vụ việc cụ thể, Thứ trưởng đề nghị Sở Tư pháp có văn bản gửi Bộ để có hướng dẫn cụ thể hơn.
Đối với những vướng mắc do chưa có hoặc quy định còn chồng chéo; tổ chức thi hành và những tồn đọng từ trước đến nay, Thứ trưởng Mai Lương Khôi ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo từ mọi phương diện từ những vấn đề còn vướng mắc để báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp.
 
Đoàn công tác và Sở Tư pháp chụp ảnh kỷ niệm
 
Thùy Nhung