Tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đấu thầu

21/08/2024
Tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đấu thầu
Ngày 21/8, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu với sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng dự.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vi mô và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về Phiên họp thứ 2 Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại phiên họp.

Theo đó, việc đề nghị rà soát, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật trên theo các nguyên tắc lựa chọn sửa đổi, bổ sung quy định của các luật nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế mang tính cấp bách; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, tập trung vào các nội dung đã xác định rõ phương án sửa đổi, bảo đảm không ảnh hưởng đến sự thống nhất chung của các Luật, tránh tác động đến các quy định của pháp luật có liên quan, nhất là các luật vừa được Quốc hội thông qua; đồng thời đảm bảo tính ổn định để có thể kế thừa khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật.
Phải đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật khi điều chỉnh, sửa đổi 4 Luật
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung trong 04 Luật. Đối với lĩnh vực đầu tư, đồng chí Phạm Văn Hùng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc có bổ sung quyết định ngừng dự án đầu tư trong trường hợp có nguy cơ gây ra sự cố môi trường cấp quốc gia hay không bởi quy định này đã có trong Luật Bảo vệ môi trường và có thể gây ảnh hưởng tới các dự án giáp ranh.
 

Đồng chí Phạm Văn Hùng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị mở rộng phạm vi chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư tư nhân theo hướng điều chỉnh hình thức bảo lãnh, cho phép chia sẻ rủi ro doanh thu. Trong đó lưu ý, nghiên cứu thêm quy định để bảo lãnh chi phí đối với các dự án điện lực, nhất là chi phí nguyên liệu đầu vào vì đây là rủi ro lớn nhất của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Về lĩnh vực đấu thầu, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu; trường hợp hợp đồng đã ký nhưng chưa có chủ trương đầu tư thì hợp đồng này có giá trị không?
 

Đồng chí Bùi Việt Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính.

Đồng chí Bùi Việt Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính nhấn mạnh tới sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo khi xây dựng dự án luật sửa 4 luật nêu trên. Góp ý đối với các quy định đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đồng chí cho rằng nên mở rộng lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP, tăng cường phân cấp, phân quyền để thu hút tối đa nguồn lực. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ cách thức xử lý trong trường hợp các loại hình hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) thanh toán bằng quỹ đất. Ngoài ra, cơ quan chủ trì cũng cần rà soát quy định liên quan đến dự án PPP là thành phần trong dự án đầu tư công với các quy định theo Luật Đầu tư công.
 

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với quy định về kinh phí lập quy hoạch, kinh phí thẩm định quy hoạch, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nên tiếp cận theo hướng kinh phí này dùng để làm việc gì thay vì quy định việc này phải sử dụng nguồn kinh phí nào; qua đó mở rộng các nguồn kinh phí được phép sử dụng.
Liên quan đến danh sách các danh mục dự án quy hoạch và thứ tự ưu tiên, đồng chí cho biết nhiều dự án của Bộ nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường. Vì vậy, để tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng chí đề xuất chỉ đưa ra danh mục các dự án và không cần nêu rõ thứ tự ưu tiên.
Cùng với đó, theo quy định hiện hành, khi điều chỉnh quy hoạch phải thực hiện 2 bước là xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch và thực hiện điều chỉnh, công bố và cung cấp thông tin điều chỉnh quy hoạch. Theo đồng chí, đối với những điều chỉnh không thay đổi về mục tiêu, quy mô, phạm vi dự án, chỉ cần thực hiện 1 bước là lập điều chỉnh quy hoạch trình lên cấp có thẩm quyền.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định; đồng thời đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc kịp thời xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về Phiên họp thứ 2 Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Để hoàn thiện cơ sở chính trị cho việc sửa đổi, bổ sung 4 Luật được đề xuất, bên cạnh Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Thứ trưởng đề nghị bổ sung thêm Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các Thông báo kết luận có liên quan.
 

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận phiên họp.

Thứ trưởng đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và một số nội dung Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình bổ sung tại phiên họp, đặc biệt là các nội dung liên quan đến Luật Đầu thầu. Tuy nhiên, một số vướng mắc đã được nêu tại Báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo xử lý, điều chỉnh, sửa đổi tại dự thảo Luật. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu...
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về: quỹ hỗ trợ đầu tư; phân cấp, phân quyền trong điều chỉnh quy hoạch, dự án; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong Luật Đầu tư; hợp đồng BT, hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT); đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp để tháo gỡ một số vướng mắc trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp; đăng ký, điều chỉnh vốn điều lệ...
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật nêu trên tập trung vào 08 chính sách, gồm:
Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch và kinh phí cho hoạt động quy hoạch để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của pháp luật về quy hoạch.
Hoàn thiện quy định về nội dung, kế hoạch thực hiện và điều chỉnh quy hoạch bảo đảm đơn giản hoá thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Tiếp tục tăng cường phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh đối với dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở xuống thuộc cảng biển đặc biệt.
Xử lý một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với quy hoạch đô thị và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.
Mở rộng, đa dạng hoá lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án PPP; hoàn thiện cơ chế tài chính đối với dự án PPP nhằm tối đa hoá nguồn lực từ khu vực tư nhân, bảo đảm phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công.
Đơn giản hoá thủ tục, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đối với dự án PPP, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp. Xử lý một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu và tăng cường phân cấp trong việc quyết định các nội dung về đấu thầu.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin