Tập huấn kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền đất

26/06/2024
Tập huấn kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền đất
Ngày 26/6, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng sự hỗ trợ của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam (Dự án GIZ) tổ chức Hội nghị “Bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất” cho 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc. Đồng chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc; Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Hải; Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Ánh Nguyệt.
Hội nghị còn có sự tham dự của các chuyên gia gồm: đồng chí Chu Đức Thắng, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp; đồng chí Phạm Thị Thịnh, chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Đăng ký đất đai, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Ngô Đức Mậu, Trưởng phòng Hành chính - Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam.
 
Ban Chủ trì Hội nghị.

Cùng dự còn có hơn 150 đại biểu đại diện các Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc, trong đó có 19 địa phương có lãnh đạo Sở Tư pháp và lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham dự. Hội nghị được tổ chức trong 02 ngày, từ ngày 26-27/6/2024.
 

Toàn cảnh Hội nghị.

Tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn vay
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết: Thời gian gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về điều hành chính sách tiền tệ, hạ lãi suất, tháo gỡ các thủ tục hành chính, rào cản để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, thuận lợi và nhanh chóng, nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn của nguồn vốn cả hệ thống tín dụng. 
 

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc Hội nghị.

Trong bối cảnh đó, vai trò của khuôn khổ thể chế pháp luật về các biện pháp bảo đảm có vai trò quan trọng. Quốc hội, Chính phủ và Bộ, ngành đã quan tâm xây dựng thể chế pháp luật với Bộ luật Dân sự quy định chung về các biện pháp bảo đảm và các luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,… và các Nghị định thi hành. Việc tổ chức thi hành pháp luật được tăng cường thời gian qua với nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn, hướng dẫn thi hành. Công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm pháp luật cũng được chú trọng.
Theo Thứ trưởng, bên cạnh những kết quả tích cực của công tác đăng ký biện pháp bảo đảm nói chung và đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nói riêng thì thực tế cho thấy công tác này còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Để khắc phục các tồn tại, hạn chế thì cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý nhà nước. Chính vì vậy, việc tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, tập huấn là bước đi đúng hướng tới mục tiêu này.
Thông qua Hội nghị, Bộ Tư pháp mong muốn các đại biểu sẽ có thêm kiến thức chuyên môn, kỹ năng trong thực hiện kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm, kịp thời chấn chỉnh sai sót, đưa công tác đăng ký biện pháp bảo đảm tại các địa phương phát triển lành mạnh; thúc đẩy khả năng tiếp cận nguồn vốn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và cả nước.
 

Đồng chí Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, thế chấp quyền sử dụng đất đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế xã hội; là phương thức bảo đảm huy động vốn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Trong thời gian qua, nhà nước ta cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thế chấp quyền sử dụng đất; tối đa hoá giá trị và tiềm năng kinh tế của quyền sử dụng đất thông qua việc thúc đẩy tiến trình và chất lượng vốn hoá loại hình tài sản này.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai đã ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác đăng ký đất đai, đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Đồng chí mong muốn Hội nghị này sẽ giúp nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ địa phương trong thi hành pháp luật về đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đăng ký biện pháp bảo đảm; góp phần bảo đảm môi trường thuận lợi, an toàn cho sự phát triển lành mạnh của các chuỗi cung ứng vốn cho nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kịp thời rút kinh nghiệm thông qua công tác kiểm tra
Phát biểu tại Hội nghị, Ths. Chu Đức Thắng, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh vai trò của công tác kiểm tra; đồng thời lưu ý về các nguyên tắc tiến hành kiểm tra, gồm: tuân theo pháp luật; bảo đảm tính chính xác, khách quan, kịp thời, hợp pháp, hợp lý. Chia sẻ thêm, đồng chí cho biết các bước tiến hành một cuộc kiểm tra bao gồm: chuẩn bị kiểm tra (xác định rõ vấn đề cần kiểm tra, lập kế hoạch, thông báo kế hoạch kiểm tra, quán triệt mục đích, yêu cầu và phạm vi kiểm tra, phân công nhiệm vụ, xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng kiểm tra báo cáo); tiến hành kiểm tra (kiểm tra trực tiếp, thu thập thông tin, tài liệu và xác minh); kết thúc kiểm tra (ban hành kết luận và thực hiện kết luận kiểm tra).
 

Ths. Chu Đức Thắng, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ.

Ngoài ra, tham dự Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Hải giới thiệu về quy định pháp luật liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; một số vấn đề, yêu cầu đặt ra trong áp dụng thi hành và đồng chí Ngô Đức Mậu, Trưởng phòng Hành chính – Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam trình bày thực tiễn kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
 

Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp. 
 
Tại ngày Hội nghị thứ 2, các đại biểu sẽ được nghe đồng chí Phạm Thị Thịnh, Chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Đăng ký đất đai, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày chuyên đề "Một số vấn đề cần lưu ý trong thế chấp và đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 và một số yêu cầu đặt ra trong áp dụng thi hành" và đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Cục trưởng, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp giới thiệu quy trình và kỹ năng kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Văn phòng đăng ký đất đai; những vấn đề pháp lý thường gặp.
Hội nghị bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất ở 03 khu vực miền Trung (ngày 13-14/6/2024 tại Đà Nẵng), miền Nam (ngày 17-18/6/2024 tại thành phố Hồ Chí Minh) và miền Bắc (ngày 26-27/6/2024 tại Hà Nội) đã có sự tham gia đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng số 442 đại biểu đến từ các cơ quan có thẩm quyền hoặc liên quan đến kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm (Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh ngân hàng Nhà nước), nhiều địa phương cử Lãnh đạo cấp Sở, Lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai trực tiếp tham dự Hội nghị.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin