Tiến tới thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý văn bản QPPL do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban

24/06/2024
Tiến tới thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý văn bản QPPL do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban
Chiều ngày 24/6, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và các Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, Trần Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về việc thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Hồ Quang Huy cho biết, trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 05/6/2024 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2024; Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô và chỉ đạo của Bộ trưởng tại phiên họp giao ban Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ ngày 11/6/2024 về việc nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các vướng mắc trong các quy định pháp lý, Cục Kiểm tra văn bản QPPL bước đầu đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định thành lập, Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là “Ban Chỉ đạo") và dự thảo Công văn, tài liệu gửi các bộ, cơ quan, địa phương đề nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Chính phủ.
 

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Hồ Quang Huy báo cáo tại cuộc họp.
 
Về thành phần Ban chỉ đạo, theo điểm đ Mục 16 Nghị quyết số 82/NQ-CP, điểm b khoản 1 Mục III Nghị quyết số 93/NQ-CP, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo với thành phần gồm: Lãnh đạo Chính phủ làm Trưởng ban và một số Bộ trưởng, Trưởng ngành thuộc lĩnh vực kinh tế là thành viên.
 

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại cuộc họp.


Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp.
 
Cho ý kiến tại cuộc họp, đa số các đại biểu đều thống nhất phạm vi thực hiện và thành phần Ban chỉ đạo theo Nghị quyết số 93/NQ-CP, trong đó tập chung chỉ đạo xử lý khẩn trương, dứt điểm các mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15; tiếp tục rà soát các văn bản luật, trong đó, tập trung vào lĩnh vực kinh tế với trọng tâm là các Luật đã được nêu tại 02 Nghị quyết nêu trên, đáp ứng mục tiêu tháo gỡ vướng mắc, “điểm nghẽn” để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
 

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hồng Tuyến.


Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Lê Đại Hải.


Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức.
 
Đồng thời, các đại biểu đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng Ban, với sự tham gia của Bộ trưởng, Trưởng ngành gắn với lĩnh vực trọng tâm trong hoạt động của Ban Chỉ đạo và phạm vi quản lý nhà nước của từng bộ, ngành.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhất trí với hồ sơ, tài liệu do Cục Kiểm tra văn bản QPPL tham mưu, chuẩn bị và đề nghị Cục nhanh chóng rà soát, hoàn thiện tài liệu, gửi xin ý kiến theo đúng quy trình, thủ tục.
 

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu kết luận cuộc họp.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, Bộ Tư pháp cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu tại 02 Nghị quyết (Nghị quyết số 82/NQ-CP và Nghị quyết số 93/NQ-CP); đồng thời tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo với 02 nhiệm vụ chính là chỉ đạo, đôn đốc xử lý các kết quả rà soát đã được chỉ ra tại Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống VBQPPL thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 và tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, phát hiện vướng mắc, bất cập phát sinh (nếu có).
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng nhất trí quan điểm Ban Chỉ đạo sẽ do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong lĩnh vực kinh tế và một số cơ quan liên quan khác là thành viên.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp tiếp tục cập nhật thông tin về tình hình xử lý kết quả rà soát văn bản của các Bộ, ngành, cũng như hướng dẫn rà soát các văn bản pháp luật có vướng mắc, làm phát sinh "điểm nghẽn" trong phát triển kinh tế, trực tiếp là các luật đã được nêu tại Nghị quyết của Chính phủ… để kịp thời tổng hợp, tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 theo yêu cầu./.
 
Thu Nga - Trung tâm Thông tin