Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

17/04/2024
Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Sáng ngày 17/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác về xây dựng đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch lập đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), trên cơ sở báo cáo đánh giá thực trạng và đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, Báo cáo tổng kết thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã xây dựng định hướng cơ bản của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Theo đó, định hướng sửa đổi sẽ tập trung vào 05 nhóm chính sách: Hoàn thiện, bổ sung các khái niệm, nguyên tắc trong xây dựng, ban hành VBQPPL; tiếp tục thu gọn các hình thức VBQPPL và quy định cụ thể hơn về thẩm quyền ban hành VBQPPL; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; Tiếp tục hoàn thiện các quy định về giải thích pháp luật, ban hành văn bản theo thủ tục rút gọn và hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật; Hoàn thiện, bổ sung các quy định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; Quy định cụ thể trách nhiệm của các chủ thể, biện pháp xử lý vi phạm trong việc thực hiện xây dựng, thi hành pháp luật; tăng cường nguồn lực cho công tác xây dựng, thi hành pháp luật.






 
Tại cuộc họp, lãnh đạo một số các đơn vị thuộc Bộ đã đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo đề nghị xây dựng Luật Ban hành VBQPPL. Các đại biểu đề nghị làm rõ hơn về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Xây dựng cơ chế đoàn/nhóm Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, nghị quyết trước Quốc hội; trình pháp lệnh, nghị quyết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quy định hợp lý hơn về quy trình xây dựng và ban hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Quy định linh hoạt hơn việc ban hành thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Đổi mới, hoàn thiện quy trình giải thích pháp luật; Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; Đổi mới, hoàn thiện các quy định về rà soát, giám sát, kiểm tra, xử lý VBQPPL; Về trách nhiệm của các chủ thể, biện pháp xử lý vi phạm trong xây dựng, thi hành pháp luật; Về bảo đảm nguồn lực; Về ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng, ban hành, thi hành VBQPPL...


 
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị Tổ công tác về xây dựng đề nghị xây dựng Luật Ban hành VBQPPL cần bám sát các quy định trong Nghị quyết số 27-NQ/TW trong việc xây dựng đề nghị Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi). Thứ trưởng yêu cầu Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Quản lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cần phải nêu bật các vấn đề có liên quan trong lĩnh vực quản lý trong công tác thi hành pháp luật nhằm hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi). Đồng thời Cục Kế hoạch – Tài chính phối hợp với Viện Chiến lược và khoa học pháp lý bố trí các nguồn lực trong công tác xây dựng pháp luật. 
Thứ trưởng cho rằng cần phải bổ sung quy định để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật “thông minh”, có khả năng trích xuất văn bản, quy định pháp luật trong những trường hợp cụ thể. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo vào quá trình đề xuất chính sách, thực hiện việc soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL.