Bộ Tư pháp: Những kết quả nổi bật trong cải cách thể chế năm 2023

17/04/2024
Bộ Tư pháp: Những kết quả nổi bật trong cải cách thể chế năm 2023
Xây dựng, hoàn thiện thể chế được Chính phủ xác định là một trong ba trọng tâm thực hiện cải cách hành chính (CCHC) theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021- 2030. Năm 2023, Bộ Tư pháp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong cải cách thể chế.
Tiếp tục coi công tác CCHC là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2023, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành tham mưu ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Bộ Tư pháp cũng đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về CCHC.
Qua đánh giá tiêu chí về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình đề ra tại Bộ chỉ số CCHC, Bộ Tư pháp nhận thấy các Bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện đúng chương trình, theo sát kế hoạch phân công và cơ bản bảo đảm văn bản được ban hành kịp thời, đúng thời hạn, mặc dù số lượng văn bản cần phải ban hành tăng hơn năm trước. Riêng đối với văn bản quy định chi tiết, qua theo dõi, số lượng văn bản các bộ, ngành phải xây dựng nhiều hơn nhưng số văn bản nợ đang có xu hướng giảm dần (năm 2023 nợ 8 văn bản, giảm 03 văn bản so với năm 2022). Một số bộ, ngành tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền số lượng lớn văn bản như Bộ Quốc phòng (170 văn bản); Bộ Tài chính (96 văn bản); Bộ Công an (90 văn bản); Bộ Giao thông vận tải (61 văn bản).
Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan tư pháp các cấp rất chú trọng. Bên cạnh việc thẩm định về sự cần thiết ban hành, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật, việc thẩm định còn tập trung đến vấn đề liên quan đến việc đơn giản hóa các thủ tục mà doanh nghiệp phải thực; chú trọng thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cũng như các quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan trong việc tạo điều kiện và bảo đảm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh…
Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện, tự xử lý hoặc kiến nghị xử lý các văn bản có nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn. Qua đánh giá điểm CCHC cho thấy, bên cạnh việc tự kiểm tra, các bộ, ngành đã thực hiện khá tốt việc kiểm tra theo thẩm quyền các văn bản do các bộ, ngành khác và các địa phương ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan mình.
Công tác PBGDPL bám sát với nhu cầu thực tiễn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến chuyển đổi số. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương đã quan tâm chỉ đạo, đổi mới công tác PBGDPL theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở. Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm tổ chức truyền thông dự thảo chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” (Đề án 407); thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL”; Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”.
Trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngày càng bài bản hơn, từ việc xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai, đến kiểm tra, đôn đốc và báo cáo tình hình thi hành pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực trọng tâm liên ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã dần được các bộ, ngành và địa phương quan tâm thực hiện, tạo sự gắn kết hơn giữa công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và kiểm tra, rà soát văn bản.
Những kết quả nổi bật trong công tác cải cách thể chế nêu trên không chỉ kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, mà còn nâng cao chất lượng của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, chung tay cùng hệ thống chính trị trong giải quyết các vấn đề phát sinh, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tin liên quan: 
Bộ Tư pháp vươn lên vị trí thứ Nhất về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023;
Công tác cải cách hành chính năm 2023 kịp thời phát hiện, tháo gỡ các rào cản về thể chế.

 

An Như thực hiện