Tinh thần chung của Điều 2 Dự thảo Nghị định là bổ sung về thành phần bộ hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên, thẩm quyền xác nhận của UBND cấp xã về kiến thức pháp luật và uy tín trong cộng đồng của người đề nghị và giảm thời hạn giải quyết xuống còn 7 ngày (trước là 15 ngày). Cụ thể là, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, Điều 22 Luật TGPL và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 20 Luật TGPL, nếu tự nguyện làm cộng tác viên thì gửi 1 bộ hồ sơ đến Trung tâm TGPL nhà nước ở địa phương nơi mình cư trú hoặc công tác. Hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên bao gồm: Đơn đề nghị làm cộng tác viên theo mẫu; Bản sao bằng cử nhân luật, bằng đại học khác hoặc bằng trung cấp luật và giấy xác nhận thời gian công tác pháp luật của cơ quan, tổ chức nơi người đó đã hoặc đang công tác; Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc của cơ quan nơi người đề nghị công tác làm việc kèm theo hai ảnh màu chân dung cỡ 2x cm. Trong trường hợp người đề nghị làm cộng tác viên thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi mà có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng thì trong hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên phải có xác nhận của UBND cấp xã về kiến thức pháp luật và uy tín trong cộng đồng của người đề nghị.
Nghị quyết số 52 có đưa ra phương án bãi bỏ sơ yếu lý lịch trong thành phần hồ sơ của thủ tục công nhận và cấp thẻ cộng tác viên, nhưng Bộ Tư pháp cho rằng, yêu cầu sơ yếu lý lịch trong hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên nhằm mục đích xác định phẩm chất đạo đức và sức khỏe đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao của cộng tác viên đó theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật TGPL. Mặt khác, nội dung của Sơ yếu lý lịch chỉ gồm những nội dung cơ bản về nhân thân, rất đơn giản và thuận lợi khi thực hiện. Vì vậy, Bộ đề nghị giữ nguyên sơ yếu lý lịch trong hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên như Dự thảo Nghị định. Sau một thời gian, khi các điều kiện kinh tế, xã hội, trình độ dân trí, ý thức pháp luật và khả năng triển khai của các cơ quan đảm bảo thực thi thì có thể sẽ nghiên cứu xem xét việc sửa đổi.
Cũng theo Dự thảo Nghị định, trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Giám đốc Trung tâm kiểm tra tính đầy đủ và đúng đắn của hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì trình Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lại hồ sơ cho người đề nghị làm cộng tác viên và thông báo rõ lý do bằng văn bản. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Giám đốc Trung tâm trình, Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, ký quyết định công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Nếu từ chối, thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người đề nghị làm cộng tác viên. Người bị từ chối có quyền khiếu nại đối với việc từ chối công nhận và cấp thẻ cộng tác viên.
Cẩm Vân