Chiều 30/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã chủ trì cuộc họp với đại diện Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và một số đơn vị trong Bộ về Dự thảo Thông tư liên tịch (TTLT) hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp (LLTP).
Để hướng dẫn chi tiết Điều 56 Luật LLTP, đồng thời hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật LLTP, dự thảo TTLT dự kiến hướng dẫn chi tiết về một số nội dung cơ bản về cung cấp thông tin LLTP để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP, về vấn đề thông tin LLTP của những người bị Toà án quân sự kết án, về vấn đề tra cứu, cung cấp thông tin để cấp Phiếu LLTP, về việc phối hợp cung cấp, xác minh, rà soát thông tin LLTP... Trong đó, việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan để cung cấp thông tin LLTP bằng hình thức nào, làm sao có được thông tin cập nhật là một nội dung được nhiều người quan tâm.
Theo Dự thảo TTLT, thông tin LLTP sẽ được các cơ quan chức năng được cung cấp dưới hình thức các văn bản như bản chính hoặc bản sao bản án, quyết định, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, văn bản thông báo; công văn trả lời. Các văn bản này được gửi trực tiếp, qua bưu điện, qua fax hoặc qua mạng Internet, mạng máy tính.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Cường (TANDTC), về hình thức văn bản cung cấp thông tin, ngoài văn bản mà Dự thảo TTLT quy định cần có thêm hình thức thư điện tử. Ông Cường phân tích, để trích lục một bản án có chữ ký của Thẩm phán đôi khi mất 10 ngày, dù pháp luật hiện hành quy định là 5 ngày. Như vậy, thông tin qua đường công văn sẽ lâu, mất thời gian, nếu người dân có yêu cầu cung cấp thông tin thì sẽ không đáp ứng kịp thời được. Do đó, nên chăng ban hành kèm theo TTLT mẫu Trích lục phục vụ cho việc cung cấp LLTP và người thư ký được giao nhiệm vụ trích lục bản án vừa xét xử rồi gửi qua mạng, chậm nhất trong vòng 2 ngày và sau 20 ngày có trách nhiệm cung cấp bản chính. “Việc làm trên cũng tương tự hình thức hiện nay các cơ quan tòa án vẫn đang tiến hành, tức là trích lục bản án (có chữ ký của Thẩm phán) rồi giao cho công an mang về cho vào kho để cập nhật ngay. Đồng thời, tránh hiểu lầm với biểu mẫu trích lục bản án vốn do Hội đồng Thẩm phán ban hành” – ông Cường nói thêm.
Đồng tình, một cán bộ của Bộ Công an khẳng định, thông tin về con người cần cập nhật cực nhanh bởi “một giờ trước, một công dân không có tội nhưng một giờ sau, anh ta có thể đã bị tòa án tuyên có tội rồi”. Nếu Trung tâm LLTP quốc gia thuộc Bộ Tư pháp nhận thông tin qua đường công văn sẽ khó mà cập nhật được khi thông tin có thể thay đổi từng giờ như thế. Hơn nữa, dù có hiện đại đến đâu thì bên cạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử, vẫn phải lưu trữ thủ công. “Cơ sở dữ liệu điện tử rất dễ bị tấn công, hacker xâm nhập vào thay đổi hết dữ liệu thì lấy đâu ra cung cấp thông tin LLTP cho người dân”, vị cán bộ này đề xuất.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổng hợp, tiếp thu các ý kiến, nhanh chóng hoàn thiện Dự thảo TTLT để có thể cùng các cơ quan sớm ban hành TTLT. Tuy nhiên, Thứ trưởng có một lưu ý nhỏ là Luật LLTP không quy định hình thức cung cấp thông tin qua fax nên Dự thảo TTLT không được mở rộng so với Luật.
Cẩm Vân