Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hai nước, sự chuẩn bị tích cực, chu đáo của các đơn vị thuộc 2 Bộ Tư pháp, sự tham gia tích cực, đầy trách nhiệm với tinh thần hợp tác hữu nghị của đại diện các cơ quan tư pháp, THADS chung biên giới 2 nước…, sáng nay (28/6), Hội nghị tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam – Lào đã kết thúc tốt đẹp.
Thông qua các tham luận về tình hình hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước Việt –Lào và định hướng hợp tác giữa Sở Tư pháp các tỉnh đường biên, vấn đề di cư tự do, kết hôn không giá thú dọc biên giới Việt Nam – Lào, công tác luật sư, THADS... của hai nước, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, nêu bật những vướng mắc trong quá trình giải quyết những vấn đề tư pháp của mỗi bên ở khu vực biên giới để cùng tìm ra giải pháp thích hợp. Hội nghị thống nhất phải đẩy mạnh PBGDPL, giúp cư dân vùng biên nắm được quy định pháp luật mỗi nước để có hành xử cho đúng quy định. Các bên cũng cần cung cấp thông tin, tham vấn lẫn nhau để bảo đảm giải quyết những vấn đề này đúng pháp luật mỗi nước.
Hội nghị cũng đã thống nhất phải rà soát lại Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam và Lào để bổ sung, đổi mới; cần có phối hợp chặt chẽ trong quá trình tham gia các Hiệp định ASEAN và Lahay về tư pháp quốc tế; thực hiện hiệu quả thỏa thuận 2011-2015. Đặc biệt, Hội nghị đã nhất trí hợp tác địa phương để giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra. Các cơ quan tư pháp dọc biên giới chủ động phối hợp với nhau, đề xuất 2 Bộ Tư pháp đưa vào nội dung hợp tác những nội dung mới, sát thực tế.
Để làm được như vậy, Bộ Tư pháp cần hướng dẫn địa phương đề xuất cụ thể khi xây dựng các thỏa thuận, chương trình hợp tác, xác định những vấn đề có liên quan để thực hiện PBGDPL, TGPL giữa các tỉnh có đường biên giới chung; hợp tác về đào tạo cán bộ, đặc biệt là tiếng Việt và tiếng Lào cho cán bộ 2 nước và thường kỳ hóa Hội nghị này theo hướng thiết thực hơn, đề cập đến những vấn đề chuyên sâu, bức xúc, vấn đề pháp lý đặt ra giữa các tỉnh đường biên.
Tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Hoàng Thế Liên nhấn mạnh: sau Hội nghị, 2 Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Chính phủ để có những hợp tác ở cấp ngành, cấp Chính phủ giúp giải quyết những vấn đề này. Bên cạnh đó, từ Hội nghị đầu tiên này, các đại biểu cũng nhất trí Hội nghị tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam - Lào sẽ trở thành Hội nghị thường niên, tổ chức luân phiên tại Việt Nam và Lào (2-3 năm/lần), xác định nội dung chuyên sâu để các cơ quan tư pháp và THADS các địa phương chung đường biên cùng nhau giải quyết tốt hơn những vấn đề pháp lý phát sinh trong quản lý hộ tịch, quốc tịch, THADS, di dân của người dân hai nước trên địa bàn./.
Hương Giang