Đó là quan điểm và chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài trong buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn đầu nhằm bàn về địa điểm xây dựng Học viện Tư pháp tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 25/6.
“Lò” đào tạo chức danh tư pháp hùng mạnh
Việc xây dựng trụ sở Học viện Tư pháp tại TP.Hồ Chí Minh, theo TS.Phan Chí Hiếu, Giám đốc Học viện Tư pháp – là một nhu cầu khách quan, hết sức cần thiết để đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố và khu vực phía Nam. Theo đó, Học viện là nơi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các chức danh tư pháp như: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Đấu giá viên, Chấp hành viên, Công chứng viên, cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp và các chức danh tư pháp khác; có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp vững mạnh, đủ sức đảm đương yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra từ công cuộc cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng của đất nước.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, hoạt động đào tạo được tiến hành từ năm 2001, đến nay đã cung cấp hơn 10 nghìn cán bộ tư pháp cho các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp cho TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam – TS Hiếu cho biết.
“Nhu cầu đào tạo cán bộ tư pháp cho TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam đang gia tăng nhanh chóng” - ông Hiếu khẳng định. Theo Giám đốc Học viện Tư pháp, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC và các ngành hữu quan đều mong muốn Học viện mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại TP. Hồ Chí Minh. Mới đây nhất, trong chuyến thăm và làm việc với Học viện, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã chỉ đạo cần tăng cường hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp tại TP. Hồ Chí Minh cho các tỉnh, thành thuộc khu vực phía Nam. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã phê duyệt quy mô đào tạo của Học viện tại TP. Hồ Chí Minh từ năm 2009 là 2.400 người/năm.
Sẽ xuất hiện Học viện tương xứng với ngành
Chức năng, nhiệm vụ chính trị của Học viện nặng nề là thế, nhưng trái ngược đó là cơ sở vật chất nghèo nàn, chật chội, tất nhiên là không thể mở rộng quy mô như mong muốn của Chủ tịch Nước. Đó cũng là “câu chuyện” mà Đoàn công tác Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn đầu đã thị sát và làm việc với Học viện tại TP. Hồ Chí Minh vào chiều ngày 24/6.
Đem đến câu chuyện trụ sở của Học viện đến buổi làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh vào sáng ngày 25/6, Đoàn công tác Bộ Tư pháp đã nhận được sự cảm thông, chia sẻ của chính quyền thành phố, đặc biệt là đại diện lãnh đạo các sở, ngành. Theo đó, UBND quận 9 sẽ có điều chỉnh quy hoạch để giao Bộ Tư pháp khu “Cù lao Long Phước” – một khu đất thuận tiện về giao thông, gần các trường đại học thuộc Khu giáo dục – đào tạo của thành phố (diện tích 172ha) – để mở rộng quy mô Học viện.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Tài khẳng định: “Về chủ trương, thành phố ủng hộ Học viện, miễn là “diện tích” đó đáp ứng được nhu cầu “sản xuất ra sản phẩm” chất lượng cao”. Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND quận 9 xem xét nghiên cứu lập dự án di dời, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho Học viện triển khai dự án. Về phía Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường trân trọng cảm ơn UBND TP.Hồ Chí Minh, các sở, ngành và UBND quận 9 đã đồng tình, ủng hộ Bộ nói chung và Học viện nói riêng.
Phong Trần