Phát huy tiềm năng của các đô thị, hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững

01/11/2023
Phát huy tiềm năng của các đô thị, hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững
Sáng 01/11, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cùng dự.
Đa dạng hoá nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển đô thị
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, sau khi đất nước thực hiện chính sách “đổi mới”, sự phát triển mạnh mẽ điều kiện kinh tế - xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi đô thị hoá và phát triển đô thị. Tốc độ đô thị hoá nhanh đã có không ít đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đô thị hoá cũng đã tạo ra khu vực đô thị với không gian kinh tế được mở rộng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hạ tầng phát triển, nguồn lao động dồi dào và thị trường lớn; từ đó tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, thu hút FDI và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá; nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng kinh tế.
 
Đại diện Bộ Xây dựng trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.

Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội cũng được quan tâm đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là các đô thị lớn đang từng bước được đầu tư, mở rộng và hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ với hình thức đầu tư đa dạng. Năng lực của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và khả năng tiếp cận các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật được cải thiện rõ rệt. Các công trình ngầm như công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm,… tại các đô thị cũng được chú trọng đầu tư, xây dựng, khai thác vận hành bởi các tổ chức, cá nhân và thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực trạng phát triển đô thị Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập, cần được tập trung khắc phục như: sự phân bố đô thị trong hệ thống đô thị còn thiếu tính liên kết, chưa phát huy được kết nối vùng; kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế đô thị;…
Vì vậy, việc xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hoá các chủ trương, định hướng chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, phát triển đô thị và hạ tầng đô thị; đồng thời tiếp thu các tiến bộ khoa học công nghệ, xu thế mới của thế giới, phát huy tiềm năng của các đô thị, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Cần nghiên cứu, xác định đúng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp đánh giá đề nghị xây dựng Luật cơ bản phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung các văn bản, Nghị quyết của Đảng để thể chế hoá đầy đủ các đường lối, chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển đô thị; từ đó đề xuất các chính sách phù hợp, khả thi.
 

Đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp phát biểu tại phiên họp.
 
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn nội dung này, đồng thời so sánh với Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở hiện hành và các Luật khác có liên quan đến quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đang được Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo để thấy rõ đâu là các chính sách có tính kế thừa, đâu là các chính sách mới được bổ sung.
Ngoài ra, tại đề nghị xây dựng Luật, nhiều chính sách mới đã được đưa ra, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn; tuy nhiên cơ quan chủ trì soạn thảo chưa định lượng được nguồn kinh phí cũng như nguồn nhân lực sẽ phát sinh để đảm bảo việc tổ chức thực thi luật sau khi ban hành. Do đó, để đảm bảo tính khả thi của đề nghị xây dựng Luật, đồng chí đề nghị cần lượng hoá kinh phí để triển khai các chính sách mới của Luật thay vì dẫn chiếu thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành một cách chung chung như hiện nay.
 
Đại diện Bộ Nội vụ tại phiên họp.

Cơ bản nhất trí cần thiết phải xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, đại diện Bộ Nội vụ đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu luật hoá các quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022); làm rõ nội dung chính sách 1 trong mối quan hệ với quy định của pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Đồng thời, cần làm rõ cơ quan quản lý đô thị là cơ quan nào, từ đó quy định chức năng, trách nhiệm cho phù hợp.
 
Đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng tại phiên họp.

Còn đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng nhận định, phạm vi, đối tượng của dự thảo Luật này liên quan đến nhiều Luật khác như Luật Quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Cấp thoát nước, vì vậy cần nghiên cứu kỹ để vừa không chồng chéo vừa không bỏ lọt đối tượng điều chỉnh. Về phân loại đô thị, đồng chí cho rằng tiêu chí về dân số đô thị phải được xây dựng phù hợp với tình hình thực tiễn tại từng địa phương; đồng thời, cần có cơ sở pháp lý để đánh giá, tổ chức cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển đô thị đối với một số đô thị trung tâm đã được thành lập lâu.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng cho ý kiến về một số vướng mắc liên quan đến xây dựng công trình ngầm, cách xác định mô hình về đô thị...
 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại phiên họp.

Tiếp thu các ý kiến từ Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn khẳng định về sự cần thiết của dự án Luật, đồng thời nhấn mạnh cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ cố gắng đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các Luật liên quan nhưng cũng không bỏ sót các vấn đề phát triển đô thị. Thứ trưởng hy vọng Luật Quản lý phát triển đô thị được xây dựng sẽ tháo gỡ được các vấn đề mà các Luật liên quan chưa giải quyết được.
 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng kết luận phiên họp.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Thứ trưởng đề nghị cần nghiên cứu kỹ để xác định đúng phạm vi, đối tượng, có thể quan tâm thêm vùng nông thôn hoặc vùng phụ cận để phát triển thành đô thị.
Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ các Luật liên quan để tránh chồng chéo, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; nghiên cứu, gia cố thêm các nội dung liên quan đến xây dựng không gian ngầm đô thị, vì đây là vấn đề quan trọng, tạo tiền đề phát triển tại các khu đô thị lớn. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì cũng cần thể chế hoá các mô hình đô thị liên kết theo Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị; nghiên cứu thêm vấn đề phát triển mạng lưới (TOD, đường sắt cao tốc…); phân cấp, phân quyền trong quản lý, phát triển đô thị…
Anh Thư - Trung tâm Thông tin