Sáng 31/10, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam tổ chức Hội nghị chuyển đổi số trong hoạt động công chứng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp; đồng chí Phạm Quang Hiếu, Quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp; đồng chí Đào Duy An, Tổng Thư ký Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.
Tại Hội nghị, Quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu đã báo cáo sơ bộ về chuyển đổi số ngành Tư pháp. Theo đó, các vấn đề về: nhận thức số, hạ tầng số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai các ứng dụng chuyên ngành và phát triển dữ liệu số, kết nối, chia sẻ dữ liệu, đảm bảo an toàn, an ninh mạng, nguồn nhân lực số, phát triển kinh tế số và xã hội số trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định.
Quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu báo cáo công chuyển đổi số ngành Tư pháp tại Hội nghị
Để thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, các đơn vị cần phối hợp, tập trung chỉ đạo, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau: tổ chức hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, quản lý, cập nhật và vận hành hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; xây dựng và ban hành các văn bản hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số; rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuộc Bộ Tư pháp quản lý cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số; chú trọng, tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng...
Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Lê Xuân Hồng báo cáo tại Hội nghị
Về chuyển đổi số trong hoạt động công chứng, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Lê Xuân Hồng cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng mới chỉ đạt được kết quả bước đầu so với yêu cầu phát triển của các giao dịch dân sự, kinh tế và các lĩnh vực liên quan.
Bên cạnh đó, khi Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) cũng có nhiều vấn đề đặt ra như: cần phải làm rõ phạm vi, loại giao dịch nào có thể thực hiện công chứng điện tử; quy trình, giá trị pháp lý của văn bản công chứng điện tử; việc chuyển đổi văn bản công chứng điện tử sang văn bản giấy và ngược lại; cách thức chứng nhận dữ liệu điện tử, điều kiện, nguyên tắc cơ bản khi áp dụng công chứng điện tử.
Như vậy, quy định về công chứng điện tử, cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc là quy định mới, do đó để quy định của Luật mang tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, phục vụ tốt nhất cho hoạt động của công chứng viên thì cần có sự phối hợp chặt chẽ của các công chứng viên, sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia về công nghệ thông tin, cá nhân, tổ chức có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Tổng Thư ký Hiệp hội công chứng viên Việt Nam Đào Duy An báo cáo tại Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng thư ký Hiệp hội công chứng viên Việt Nam Đào Duy An đã thông tin về thực trạng ứng dụng cơ sở dữ liệu công chứng tại Việt Nam; thực trạng ứng dụng trang thiết bị và các giải pháp công nghệ khác vào hoạt động công chứng. Trên cơ sở đó, đồng chí Đào Duy An đề xuất lộ trình và cách thức chuyển đổi số trong hoạt động công chứng như: xây dựng công chứng điện tử theo định hướng và lộ trình của Chương trình chuyển đổi số quốc gia và định hướng xây dựng Chính phủ điện tử của Chính phủ; xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng có phạm vi toàn quốc, đồng bộ và kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng hệ thống công chứng điện tử để cung cấp dữ liệu làm đầu vào cho các dịch vụ công khác.
Toàn cảnh Hội nghị
Sau khi nghe báo cáo nêu trên, các đại biểu tham dự Hội nghị đã trao đổi, thảo luận, cho ý kiến đánh giá về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng, từ đó đưa ra phương hướng, đề xuất nhằm thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong hoạt động này.
Thu Nga