Nghiệm thu kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp quốc gia

06/07/2023
Nghiệm thu kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp quốc gia
Ngày 05/07/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0: Những vấn đề pháp lý cơ bản” mã số ĐTĐL.XH-03/21 do TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp là Chủ nhiệm. Đề tài do Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp là tổ chức chủ trì thực hiện.
Hội đồng nghiệm thu do GS. TS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII là Chủ tịch. Các thành viên tham gia hội đồng là chuyên gia, nhà khoa học có uy tín đến từ các cơ quan, tổ chức hữu quan…  
 

 
Tại phiên bảo vệ, TS. Phan Chí Hiếu đã trình bày quá trình tổ chức thực hiện, những kết quả nghiên cứu chính của Đề tài và các tư liệu có liên quan. Theo Báo cáo của Ban Chủ nhiệm Đề tài, Đề tài đã nhận diện và phân tích những vấn đề lý luận của chủ đề nghiên cứu, nhận diện những hiện tượng kinh tế - xã hội mới phát sinh cần sự điều chỉnh của pháp luật dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những yêu cầu mới đặt ra trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đề tài cũng đã tập trung khảo cứu sự thay đổi trong hệ thống pháp luật nói riêng và thể chế kinh tế nói chung ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới (Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore) và đưa tới nhận định: Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở các quốc gia trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, truyền thống pháp luật và trình độ phát triển. Việc ứng dụng những công nghệ mới gắn liền với cuộc Cách mạng công nghiệp này làm phát sinh những vấn đề kinh tế - xã hội mới đòi hỏi các quốc gia đều phải có những thay đổi thể chế kinh tế để tận dụng cơ hội phát triển mới đồng thời quản trị những thách thức mới phát sinh. Những thay đổi thể chế rõ nhất có thể nhìn thấy trong lĩnh vực pháp luật dân sự (tài sản, sở hữu, hợp đồng, sở hữu trí tuệ), pháp luật về khởi nghiệp sáng tạo, pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, pháp luật về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật về tài chính, ngân hàng, thuế, pháp luật về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm. Nhiều quốc gia đã ban hành những đạo luật mới hoặc bổ sung những quy định mới trong các đạo luật hiện hành, để xử lý các tình huống phát sinh, trong đó, có thể kể tới việc ban hành Luật về công nghệ chuỗi khối, tài sản mã hóa, hợp đồng thông minh ở một số quốc gia châu Âu, Luật về cho vay ngang hàng ở Hàn Quốc, ban hành Luật Thương mại điện tử và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Trung Quốc... Việc sử dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cũng được các quốc gia áp dụng. Đề tài đã đánh giá thực trạng những lĩnh vực pháp luật liên quan tới hoạt động kinh tế trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện đang chịu tác động mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chỉ rõ những kết quả và cả những hạn chế, bất cập, nhất là khoảng trống pháp lý trong điều chỉnh pháp luật đối với các hiện tượng kinh tế - xã hội mới phát sinh ở Việt Nam từ tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, có thể thấy được khoảng trống pháp lý trong việc điều chỉnh pháp luật đối với việc phát hành và giao dịch liên quan tới tài sản mã hóa, bảo vệ thông tin/dữ liệu cá nhân, cho vay ngang hàng, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, việc quản lý thuế, việc giải quyết tranh chấp và đấu tranh, phòng chống các loại hành vi vi phạm pháp luật mới, bao gồm cả các loại hình tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia... 
 

 
Trên cơ sở phân tích lý luận, thực trạng và kinh nghiệm quốc tế, nhận diện rõ bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước ảnh hưởng tới nhu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nhóm nghiên cứu đã đề xuất nhiều giải pháp liên quan tới nhiều lĩnh vực pháp luật quan trọng, như pháp luật dân sự (nhất là các quy định liên quan tới tài sản mã hóa, sản phẩm trí tuệ được tạo ra với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, hợp đồng thông minh v.v.), pháp luật về kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, pháp luật về khởi nghiệp sáng tạo, pháp luật về thị trường tài chính, ngân hàng, thuế, pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về an sinh xã hội, pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm. Đây đều là những đề xuất có giá trị, nhất là trong bối cảnh triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, nhằm “tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.
Trên cơ sở nhận xét, góp ý, đánh giá của các thành viên trong Hội đồng, Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí đánh giá kết quả nghiên cứu của Đề tài đạt loại Xuất sắc.