Hoàn thiện cơ sở pháp lý về việc sử dụng kinh phí được trích từ các khoản thu hồi qua thanh tra

30/06/2023
Hoàn thiện cơ sở pháp lý về việc sử dụng kinh phí được trích từ các khoản thu hồi qua thanh tra
Sáng 30/6, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo khoản 3 Điều 112 Luật Thanh tra số 11/2022/QH15. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên thẩm định.
Cụ thể hóa các quy định về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, các cơ quan thanh tra đã sử dụng nguồn kinh phí được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để chi phục vụ các hoạt động thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chi mua tin phục vụ việc xử lý thu hồi tiền vi phạm; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; chi tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm, sửa chữa tài sản, máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện đi lại phục vụ công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng; chi khen thưởng, khuyến khích, động viên các tập thể và cá nhân trong và ngoài cơ quan thanh tra đã tích cực phối hợp trong công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chi bổ sung chi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước của các cơ quan thanh tra; chi nghiệp vụ đặc thù và các khoản chi khác cho công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Về cơ bản, khoản tiền này đã bù đắp được sự thiếu hụt của nguồn ngân sách nhà nước cấp chi theo định mức biên chế.
Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích từ khoản thu hồi thực nộp ngân sách nhà nước trong 5 năm qua cũng được các cơ quan thanh tra triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật. Hàng năm, cơ quan thanh tra đều lập dự toán, thanh toán, quyết toán theo quy định, có sự giám sát, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan tài chính và Kiểm toán Nhà nước.
 
Đại diện Thanh tra Chính phủ trình bày tóm tắt các nội dung chính của dự thảo Nghị quyết.

Xuất phát từ thực tiễn trên, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được trích một phần từ khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước cho cơ quan thanh tra; từ đó, góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

Lựa chọn hình thức ban hành văn bản phù hợp
Để đảm bảo tính liên tục của hiệu lực thi hành, đại diện Bộ Tài chính đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định bổ sung điều khoản chuyển tiếp, cụ thể, việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước tiếp tục được thực hiện theo quy định hiện hành đến hết năm 2023 và sẽ được thực hiện theo các quy định tại Nghị quyết này từ năm ngân sách 2024. Bên cạnh đó, đối với khoản 1 Điều 5, đồng chí đề nghị chỉnh lý cụm từ “Chính phủ hướng dẫn việc quản lý” thành “Chính phủ quy định việc quản lý”; đồng thời, ban soạn thảo cần sớm dự thảo văn bản hướng dẫn của Chính phủ làm căn cứ cho các bộ, ngành triển khai thực hiện khi dự thảo Nghị quyết được thông qua.
 

Đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại phiên họp.
 
Cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Báo cáo và Tờ trình, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thay thế cụm từ “thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra trong cơ quan cơ yếu Chính phủ” thành “Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thanh tra Cơ yếu” tại khoản 2 Điều 3 dự thảo Nghị quyết nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và dự thảo Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (hiện đang trình Chính phủ xem xét ban hành) về nội dung này.
 

Đại diện Bộ Công thương phát biểu tại phiên họp.
 
Đối với Điều 1 dự thảo Nghị quyết, đồng chí Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế đề nghị ban soạn thảo tách thành 3 Điều riêng biệt, quy định về phạm vi áp dụng, đối tượng điều chỉnh, đối tượng được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và sửa đổi khoản 1 Điều 2 thành “Các khoản tiền thuộc ngân sách nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng không đúng quy định của Nhà nước hoặc bị thất thoát do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra đã được thu hồi vào ngân sách theo kết luận của cơ quan thanh tra”.
Về mức trích, đồng chí đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng các mức trích sẽ tương ứng với số tiền nộp vào ngân sách nhà nước, chẳng hạn “Thanh tra Chính phủ được trích 30% số tiền nộp vào ngân sách nhà nước đến 100 tỷ đồng/năm; từ 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng/năm được trích 20%, từ trên 200 tỷ đồng/năm được trích 10%”.
Tổng hợp các ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá nội dung dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ Điều 16 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để lựa chọn hình thức ban hành văn bản thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phù hợp và bổ sung điều khoản chuyển tiếp tại Điều 5 dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính minh bạch trong việc sử dụng kinh phí được trích, Thứ trưởng đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ đây là khoản kinh phí chi hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực hoạt động thanh tra tại nội dung dự thảo và Tờ trình.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận phiên họp.
 
Đối với việc giao Chính phủ hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được trích tại khoản 1 Điều 5, Thứ trưởng đề nghị lược bỏ quy định này; đồng thời đề xuất các nội dung liên quan có thể được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 327/2016/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách nhà nước.
 
Luật Thanh tra 2022 được Quốc hội khoá XV thông qua ngày 14/11/2022 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023). Khoản 3 Điều 112 Luật Thanh tra năm 2022 quy định “Các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra”.
Dự thảo Nghị quyết đã cụ thể hóa được yêu cầu của Luật Thanh tra năm 2022 về kinh phí hoạt động của các cơ quan thanh tra, chế độ chính sách đặc thù cho công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách; phù hợp với thực tế hoạt động đặc thù của cơ quan thanh tra, trên cơ sở kế thừa những quy định hiện hành về quản lý, sử dụng kinh phí được trích từ các khoản thu hồi qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, đồng thời, khắc phục những khó khăn vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện cho các cơ quan thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin