Nâng cao vai trò của Cục CNTT trong thực hiện kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp phiên bản 2.0

05/07/2023
Nâng cao vai trò của Cục CNTT trong thực hiện kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp phiên bản 2.0
Sáng 05/7, Thứ trưởng Mai Lương Khôi chủ trì buổi làm việc với Cục Công nghệ thông tin (CNTT) về việc cập nhật và triển khai thực hiện kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp phiên bản 2.0.
Thực hiện Văn bản số 1718/BTTTT-THH ngày 11 tháng 5 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử ngày 12 tháng 02 năm 2020, năm 2020, Cục Công nghệ thông tin đã nghiên cứu, xây dựng và tham mưu Bộ ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp, Phiên bản 2.0, ban hành kèm theo Quyết định số 2041/QĐ-BTP ngày 30/9/2020.
Xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử mới nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra
Báo cáo tại phiên họp, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Đức Dụ cho biết, trên cơ sở kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp 2.0, Cục Công nghệ thông tin đã phối hợp với các đơn vị triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong Bộ, ngành Tư pháp về cơ bản theo sơ đồ mô hình tổng quát của Kiến trúc, có thể kể đến như: Hạ tầng đảm bảo; Nền tảng dịch vụ chia sẻ và tích hợp (LGSP); Ứng dụng và CSDL; Nghiệp vụ; Kênh giao tiếp; Người dùng; Chính sách chỉ đạo và điều hành. Tuy nhiên, việc triển khai Kiến trúc trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nguyên nhân một phần từ việc xây dựng Kiến trúc ban đầu chưa có kinh phí đầu tư để khảo sát, đánh giá toàn diện, đầy đủ. Trước yêu cầu của những nhiệm vụ mới được giao, cũng như các văn bản về công nghệ thông tin, đòi hỏi Kiến trúc này phải được cập nhật thường xuyên hàng năm. Mặt khác hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ về việc xây dựng, cập nhật Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 3.0, trên cơ sở đó các Bộ, ngành địa phương phải tiến hành xây dựng Kiến trúc mới đáp ứng Khung yêu cầu đề ra.
 
Phó Cục trưởng Cục CNTT Phạm Đức Dụ báo cáo tại buổi làm việc

Kiện toàn nhân sự, tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong một thời điểm
Cho ý kiến về việc thực hiện Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp phiên bản 2.0, đại diện Viện Khoa học pháp lý nhận thấy đặc thù của lĩnh vực CNTT là phải đầu tư lớn, đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ cao, trong khi nguồn nhân lực còn rất hạn chế. Vì vậy, đồng chí kiến nghị trong thời gian tới, Cục CNTT cần có phương án nhằm ưu tiên những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để tập trung nguồn lực vào đó, làm cho dứt điểm, quyết liệt, tránh dàn trải, đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện. 
 


Đại diện các đơn vị phát biểu cho ý kiến tại buổi làm việc
 
Liên quan đến kiện toàn nhân sự trong lĩnh vực CNTT, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà cho rằng cần cân đối nhân sự tại các vị trí công nghệ thông tin ở các đơn vị có liên quan đến việc xây dựng các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu. Đồng chí cũng nhận định lĩnh vực CNTT là lĩnh vực liên quan mật thiết đến tất cả các đơn vị thuộc Bộ, do đó Cục CNTT nên nghiên cứu có quy chế phối hợp với các đơn vị, cần có sự chủ động, phân công cán bộ chuyên trách phối hợp với các đơn vị để việc cập nhật cơ sở dữ liệu được nhanh chóng, từ đó phát huy vai trò của Cục cũng như xác định được trách nhiệm của các đơn vị trong lĩnh vực này. Về việc thực hiện Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp phiên bản 2.0, Cục CNTT cần  đề nghị các đơn vị đánh giá lại việc thực hiện, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các năm qua, từ đó có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đề xuất giải pháp để có kế hoạch thực hiện cụ thể trong thời gian tới.
 
Thứ trưởng Mai Lương Khôi phát biểu kết luận buổi làm việc
 
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh, Cục Công nghệ thông tin cần nâng cao hơn nữa vai trò tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số như hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn an ninh thông tin, phần mềm ứng dụng,... Đồng thời Thứ trưởng yêu cầu Cục CNTT cần phối hợp các đơn vị sớm tổ chức Hội nghị sơ kết công tác CNTT lồng ghép việc đánh giá 01 năm thực hiện triển khai Nghị quyết số 22-NQ/BCSĐ và quán triệt việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ.
              Thu Nga