Huy động nguồn lực tài chính, ngân sách phát triển Thủ đô

30/05/2023
Huy động nguồn lực tài chính, ngân sách phát triển Thủ đô
Sáng 30/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đồng chủ trì cuộc họp góp ý các quy định của dự thảo Luật Thủ đô về tài chính – ngân sách và nguồn lực phát triển thủ đô.
Đề nghị giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến cho biết Chương IV của dự thảo Luật quy định về tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô, theo đó, dự thảo kế thừa các quy định tại Điều 21 Luật Thủ đô 2012; kế thừa, luật hóa một số nội dung tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Hà Nội đề nghị được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô, các dự án đầu tư theo phương thức PPP, dự án phát triển đô thị theo TOD, hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời. 
Tuy nhiên, Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII quy định “có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa trung ương và địa phương”. Theo đó, về vấn đề này tại dự thảo được thể hiện theo hai phương án: Hà Nội được giữ lại 100% các khoản thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố; hoặc không quy định nội dung này tại dự thảo Luật, sẽ nghiên cứu để quy định phù hợp khi sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL liên quan đến nội dung này (Luật Ngân sách nhà nước).
Về sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô, dự thảo Luật cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố, UBND thành phố Hà Nội.
 

Toàn cảnh cuộc họp
 
Để bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu thu hút đầu tư thông qua công cụ thuế với yêu cầu thực hiện cam kết quốc tế, nhất là cam kết tới đây về thuế tối thiểu toàn cầu, dự thảo Luật, các chính sách ưu đãi về thuế được quy định với mức thuế suất áp dụng khác nhau. Cụ thể, áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp; nhà đầu tư chiến lược được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 15% (mức thuế suất hiện hành là 20%) trong thời gian 09 năm đầu đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư kể từ năm đầu tiên dự án đầu tư mới của doanh nghiệp có doanh thu đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư; ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược còn được hưởng các ưu đãi khác.
Điều 38 dự thảo Luật quy định cơ chế thu hút đầu tư của xã hội, cơ chế thực hiện đầu tư bao gồm: đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD)  trên địa bàn Thành phố và thuộc Vùng Thủ đô theo cơ chế dự án phát triển đô thị và dự án giao thông nằm trong một tổng dự án; thực hiện dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội theo phương thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT); được sử dụng vốn ngân sách Thành phố và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hàng năm để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT…
Ngoài thẩm quyền đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có các quy định phân quyền từ thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án.
 

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến phát biểu tại cuộc họp

Tạo cơ chế thu hút đầu tư
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ… đã góp ý cụ thể đối với các quy định tại dự thảo Chương IV Luật sửa đổi, trong đó tập trung vào các vấn đề về huy động, sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; các quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư vào văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, khu công nghệ cao Hòa Lạc, nhà đầu tư chiến lược; làm rõ mục tiêu Hà Nội đề nghị được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố; quy định việc thành lập Quỹ Bảo vệ di sản và phát triển văn hóa Thủ đô, Quỹ Học bổng dành cho học sinh tài năng của Thủ đô, Quỹ Bảo tồn, tái thiết khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô…
 


Các đại biểu dự cuộc họp đóng góp ý kiến thảo luận
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố luôn nhận thức rõ phải quán triệt, bám sát định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu
 
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội nhấn mạnh Thủ đô có nhiều tiềm năng trên tất cả lĩnh vực, vì vậy để có thể khai thác hết các thế mạnh, tiềm năng cần nêu cao tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, đồng thời có các cơ chế đặc thù, huy động đầy đủ các nguồn lực về nhân lực, vật lực, trí tuệ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu các quy định tại dự thảo Luật cần bám sát Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đồng thời phải thể hiện được các quy định, chính sách đặc thù của Hà Nội để phát triển, đóng góp chung cho Ngân sách Nhà nước. 
Đối với nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô, Thứ trưởng cho rằng dự thảo Luật cần thể hiện rõ nguồn lực nội tại của Hà Nội, nguồn lực trong nước và nguồn lực nước ngoài; chỉ quy định các cơ chế, chính sách “đắt giá” để tạo sức bật, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội; vấn đề nào Hà Nội được quyết định thì quy định rõ trong dự thảo Luật, còn lại thì viện dẫn pháp luật hiện hành. 
 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại cuộc họp
 
Cùng với đó Thứ trưởng cũng yêu cầu làm rõ trình tự, thủ tục khi phân quyền chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án. Làm rõ khái niệm “nhà đầu tư chiến lược” theo hướng phải đầu tư vào dự án trong lĩnh vực chiến lược; xác định các tiêu chí đặc trưng để hưởng ưu đãi về thuế, tránh tràn lan.
 
Lê Huy