Chiều 05/05, Bộ Tư pháp tổ chức Hội đồng thẩm định Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì Hội đồng thẩm định.
Theo báo cáo tại phiên họp, trong thời gian qua, nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp, người dân đã được triển khai với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua đó đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên cũng ảnh hưởng nhất định tới việc triển khai công tác về NSNN. Mặc dù đạt kết quả tích cực trong thu NSNN năm 2022, nhưng từ cuối năm 2022 và đặc biệt những tháng đầu năm 2023 đã cho thấy xu hướng giảm. Lũy kế thu Quý I/2023 ước đạt 411,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2022 (tuy nhiên, nếu loại trừ quyết toán thuế TNDN của năm 2022 thì số thu giảm 6% so cùng kỳ). Số thu NSNN tháng 3 giảm so với tháng 2 và tháng 2 giảm so với tháng 1. Bên cạnh đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện trong Quý I bằng 26,9% dự toán, giảm 16,4% so cùng kỳ năm 2022.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 như đã báo cáo ở trên (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu), việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.
Đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại Hội đồng thẩm định
Việc xây dựng Nghị quyết nhằm mục tiêu Kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Nghị quyết được xây dựng dựa trên quan điểm bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; bám sát định hướng của Quốc hội nêu tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động; đảm bảo tính đơn giản, dễ thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Các đại biểu bát biểu ý kiến thảo luận
Tại Hội đồng thẩm định, các đại biểu tham dự đã tích cực đóng góp ý kiến dự thảo về nội dung dự thảo cũng như các yếu tố kỹ thuật soạn thảo. Về cơ bản, Hội đồng nhất trí với các nội dung dự thảo Nghị quyết.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho ý kiến tại phiên họp thẩm định
Phát biểu tại Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng dự án Nghị quyết có tính thực tiễn cao, cần thực hiện kỹ lưỡng để đảm bảo lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Thứ trưởng bảo lưu ý kiến của Bộ Tư pháp rằng tên gọi của Nghị quyết cần đặt là “Nghị quyết thí điểm” thay cho Nghị quyết của Quốc hội nói chung. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Hội đồng cân nhắc về thời hạn, thời gian có hiệu lực của văn bản, qua đó có kế hoạch truyền thông hợp lý. Đối với cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cần tiếp tục thực hiện xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, qua đó bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định pháp luật.
Lê Huy, Thu Nga