Sáng 14/2, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã làm việc với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Đầu tư cho công tác xây dựng pháp luật
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Vụ đã báo cáo về kết quả công tác năm 2022, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các mặt công tác và nêu lên các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 cùng các giải pháp thực hiện.
Cụ thể, năm 2023, Vụ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: nghiên cứu, tham mưu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW; tiếp tục thực hiện, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị; triển khai hiệu quả Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV…
Tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của cấp trên về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 và các Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; chuẩn bị dự kiến đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024.
Lập đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023; soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Triển khai thực hiện Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “Lợi ích nhóm” tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật ngay sau khi được Bộ Chính trị ban hành.
Thực hiện hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, nhất là các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa được thông qua năm 2022 và năm 2023, khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản.
Tăng cường công tác pháp chế
Cùng với đó, tổ chức triển khai Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế sau khi được Chính phủ ban hành. Theo đó, xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định sửa đổi, bổ sung và tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định nêu trên. Tổ chức các buổi làm việc, hội thảo, tọa đàm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm về công tác pháp chế với một số cơ quan; giao ban sinh hoạt công tác pháp chế; ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp trong công tác pháp chế…
Cùng với đó, triển khai các hoạt động quản lý nhà nước đối với Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp; theo dõi, đánh giá tình hình triển khai Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55 tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và doanh nghiệp nhà nước, địa phương…
Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Vụ đã nêu lên kết quả, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp trong thực hiện một số mặt công tác như: công tác pháp chế; việc phối hợp với các Bộ, ngành trong công tác xây dựng pháp luật; hướng dẫn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững…
Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của Vụ trong công tác tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế theo quy định của pháp luật; đề xuất những định hướng lớn trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Trong bối cảnh đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác xây dựng pháp luật, Thứ trưởng yêu cầu Vụ càng phải ý thức được vai trò quan trọng của đơn vị để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế; nâng cao hiệu quả kiểm tra công tác pháp chế; tăng cường công tác phối hợp với các Bộ, ngành…
Bảo Ngọc