Đảm bảo tính thống nhất, khả thi của Luật Viễn thông với hệ thống pháp luật Việt Nam

31/01/2023
Đảm bảo tính thống nhất, khả thi của Luật Viễn thông với hệ thống pháp luật Việt Nam
Chiều 31/01, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Đồng chủ trì Hội đồng thẩm định có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long.
Kể từ ngày 01/07/2010 khi Luật Viễn thông chính thức có hiệu lực, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành đã giúp thúc đẩy cạnh tranh, phát triển cơ sở hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, phát triển thị trường viễn thông với đa dạng các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, Luật Viễn thông đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới, như: xu hướng hội tụ giữa viễn thông, phát thanh truyền hình, công nghệ thông tin và tự động hóa đặt ra những yêu cầu mới đối với lĩnh vực viễn thông; các quy định về quản lý và điều tiết thị trường hiện nay đã thể hiện một số bất cập; điều kiện cấp phép là vốn pháp định và mức cam kết đầu tư hiện nay không còn phù hợp; xu thế phát triển dịch vụ vệ tinh chùm với các dịch vụ xuyên biên giới mang tính chất thu thập dữ liệu nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, mất an toàn mạng lưới, an ninh thông tin, ảnh hưởng đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền lợi của người sử dụng, đồng thời cạnh tranh trực tiếp với thị trường dịch vụ băng rộng cố định và di động mặt đất trong nước, đòi hỏi phải cụ thể hóa các cam kết quốc tế, các điều kiện, thủ tục, quy trình quản lý thị trường dịch vụ vệ tinh phù hợp.
 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đồng chủ trì phiên họp
 
Hoạt động xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi được thực hiện nhằm mục tiêu thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế số, xã hội số; khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, những lỗ hổng chính sách, những bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Để đạt được các mục tiêu như đã đặt ra ở trên, dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi tập trung vào các nhóm chính sách lớn, gồm: chính sách quản lý và điều tiết thị trường bán buôn; hoàn thiện các quy định về cấp phép viễn thông; chính sách về quản lý và phát triển dịch vụ viễn thông vệ tinh; chính sách về kinh doanh trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây; chính sách quản lý dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông (OTT viễn thông).
Tại phiên họp, sau khi nghe báo cáo đánh giá tác động chính sách sửa đổi Luật Viễn thông, các đại biểu tham dự đã tham gia trao đổi, thảo luận góp ý.
 

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại phiên họp
 
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị Ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Viễn thông bổ sung và làm rõ một số vấn đề như: định nghĩa các khái niệm xuất hiện trong Luật; các hành vi nghiêm cấm trong Luật đã được quy định tại các luật khác; quy định về hạn chế cạnh tranh; quỹ dịch vụ viễn thông công ích; đơn giản hóa cấp phép viễn thông; chia sẻ thông tin và cơ sở dữ liệu…
Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến đóng góp, từ đó có sự rà soát, sửa đổi, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Viễn thông. 
Lê Huy - Trung tâm Thông tin