Chọn vấn đề “nóng” để theo dõi thi hành pháp luật

22/04/2011
Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “cân nhắc lựa chọn những vấn đề nổi lên trong nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2011 như việc khắc phục tình trạng đô la hóa nền kinh tế; tỷ giá; giá cả; kinh doanh vàng miếng; nhà ở xã hội; chung cư; bảo hiểm y tế; đền bù giải phóng mặt bằng; bán đấu giá tài sản; kết hôn với người nước ngoài….” làm lĩnh vực trọng tâm theo dõi thi hành pháp luật trong năm nay.

Đây là một trong các nội dung tại văn bản số 1986/BTP-VĐCXDPL về việc thực hiện công tác trọng tâm theo dõi thi hành pháp luật năm 2011 vừa được Bộ Tư pháp gửi tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, năm 2010, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật. Mặc dù đã đạt được một số kết quả ban đầu, nhưng việc triển khai công tác này vẫn còn lúng túng, kết quả chưa thực sự bám sát và góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, chưa giúp được nhiều cho công tác hoàn thiện pháp luật và cơ chế thực hiện pháp luật nói chung.

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác theo dõi thi hành pháp luật là nhiệm vụ mới được triển khai, chưa có nhiều kinh nghiệm; việc triển khai còn dàn trải, chưa có trọng tâm trọng điểm; tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật chưa được xây dựng, kiện toàn ở nhiều địa phương, cán bộ còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Để khắc phục hạn chế này, trong năm nay, Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào các nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ xác định, đặc biệt là Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9/01/2011 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; đặc điểm tình hình cụ thể ở từng địa phương, lựa chọn từ một đến hai lĩnh vực trọng tâm để tập trung theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật.

Về nội dung theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm được lựa chọn, Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương tập trung vào tình hình ban hành văn bản trong năm 2011 như số lượng, hình thức VBQPPL cần được ban hành; số lượng, hình thức VBQPPL đã được ban hành đúng tiến độ; số lượng, hình thức và tên văn bản ban hành chậm tiến độ; lý do chậm tiến độ; tình hình ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các VBQPPL.

Về các điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm trong năm 2011, cần chú ý tới công tác phổ biến pháp luật; tổ chức, nhân sự; tập huấn, bồi dưỡng; kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác…. Về tình hình phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong năm 2011, cần chú ý tới kết quả của hoạt động thanh tra; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết quả xử lý vi phạm hành chính; kết quả của hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát, tiếp nhận thông tin về tình hình thi hành pháp luật….

Đặc biệt, về nguyên nhân của tình hình vi phạm pháp luật, Bộ Tư pháp yêu cầu phải nêu và đánh giá được nguyên nhân của tình hình vi phạm pháp luật: do bất cập của quy định của pháp luật về nội dung, pháp luật về trình tự, thủ tục; nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của đối tượng thi hành; công tác tổ chức thi hành pháp luật (điều kiện về nguồn lực đảm bảo; công tác đôn đốc thực hiện, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm….).

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm xây dựng báo cáo tình hình thi hành pháp luật gửi Bộ Tư pháp trước ngày 30/11/2011 để Bộ Tư pháp kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ. 

PV