Kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tại CH Pháp

22/04/2011
Kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tại CH Pháp
Phiên họp thường niên lần thứ 18 Uỷ ban Định hướng Nhà Pháp luật Việt -Pháp diễn ra tại Paris trong các ngày 14 - 15/4 đã thành công tốt đẹp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp cho biết: “Đây là phiên họp diễn ra vào thời điểm có tính chất lịch sử trong tiến trình cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam, đồng thời cũng là Phiên họp để thảo luận các định hướng phát triển của Nhà Pháp luật Việt - Pháp trong thập kỷ tiếp theo”.

Nhà Pháp luật Việt - Pháp: Một thiết chế độc đáo

Cách đây 18 năm, khi Việt Nam mới bước vào thời kỳ đổi mới và mở cửa hội nhập với các nước, Pháp là một trong những nước phương Tây sớm đến với Việt Nam để giúp đỡ trong những bước đi đầu tiên đầy khó khăn, thử thách. Trong bối cảnh đó, Nhà Pháp luật Việt - Pháp đã được thành lập với sứ mệnh chính là công cụ của hai Chính phủ nhằm cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hệ thống cơ quan tư pháp Việt Nam theo đường lối phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Cho đến nay, Nhà Pháp luật Việt - Pháp vẫn là một thiết chế đặc biệt, có một không hai, được thành lập bởi một Hiệp định giữa Chính phủ hai nước.

Với những điểm tương đồng trong truyền thống văn hóa pháp luật, Việt Nam và Pháp có nhiều tương đồng trong định hướng cải cách pháp luật và tư pháp. Từ thực tiễn 18 năm tồn tại và phát triển của mình, Nhà Pháp luật Việt - Pháp đã và đang tiếp tục khẳng định là một thiết chế cần thiết và hiệu quả của hai Chính phủ trong việc thực hiện sự hợp tác về pháp luật và tư pháp.

Phát biểu tại lễ khai mạc Phiên họp lần thứ 18 Ủy ban Định hướng Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Sự hỗ trợ kỹ thuật của Cộng hòa Pháp thông qua Nhà Pháp luật Việt – Pháp với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia luật hàng đầu của Pháp đã góp phần tích cực, hiệu quả vào quá trình soạn thảo và triển khai các đạo luật làm nền tảng cho sự phát triển các nghề luật ở Việt Nam như Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Thi hành án dân sự… theo hướng xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp”.

Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ xây dựng thể chế, Nhà Pháp luật Việt - Pháp đã và đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các hoạt động thông tin, đào tạo, bồi dưỡng về tiếng Pháp pháp lý, về kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các thẩm phán, luật sư, công chứng viên, chấp hành viên, thừa phát lại… đồng thời góp phần làm cầu nối để tạo dựng các mối quan hệ hợp tác trực tiếp giữa các tổ chức hành nghề, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp (hiệp hội nghề) luật sư, công chứng còn non trẻ của Việt Nam với các đồng nghiệp Pháp giàu kinh nghiệm.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Sự đóng góp của Nhà Pháp luật Việt - Pháp không chỉ dừng trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp mà nó đã thực sự vươn xa hơn để khẳng định và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Pháp. Qua những thành công trong hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước với sự hiện diện của một thiết chế độc đáo là Nhà pháp luật Việt - Pháp, có thể rút ra được bài học kinh nghiệm quý giá là phải lựa chọn đúng đắn những ưu tiên cải cách của Việt Nam trong từng giai đoạn phù hợp với thế mạnh của Pháp để tập trung mọi nguồn lực có giới hạn cho các hoạt động trọng tâm của Nhà Pháp luật”.

   

Lựa chọn đúng đắn những ưu tiên hợp tác

Tại Phiên họp, sau khi nghe Ban Giám đốc Nhà Pháp luật Việt - Pháp trình bày Báo cáo hoạt động năm 2010, Ủy ban Định hướng đã nhất trí thông qua Báo cáo và đánh giá cao những nỗ lực của Ban Giám đốc và nhân viên Nhà Pháp luật, mặc dù gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế, nhưng đã hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ. Trong năm 2010, Nhà Pháp luật Việt - Pháp đã tổ chức được 10 Hội thảo, Tọa đàm (trong đó có 1 Hội thảo khu vực Pháp ngữ quy mô lớn), 4 đoàn khảo sát tại Pháp, 6 lớp bồi dưỡng chuyên đề, tiếp tục tổ chức các lớp tiếng Pháp pháp lý, các buổi nói chuyện chuyên đề dành cho sinh viên và một số công việc khác.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Định hướng đã nhất trí thông qua dự kiến Chương trình hoạt động năm 2011 do Ban Giám đốc xây dựng trên cơ sở nhu cầu của các cơ quan hữu quan Việt Nam, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và có tính đến những lĩnh vực thế mạnh của Pháp. Theo Chương trình này, năm 2011, Nhà Pháp luật sẽ tổ chức 9 Hội thảo, Tọa đàm (trong đó có 1 Hội thảo khu vực quy mô lớn về vai trò của các nghề bổ trợ tư pháp trong Nhà nước Pháp quyền tại Phnôm Pênh, Campuchia), 2 lớp bồi dưỡng chuyên đề, 2 đoàn khảo sát tại Pháp và một số công việc truyền thống khác.

Đặc biệt, Phiên họp lần này đã dành nhiều thời gian để thảo luận một nội dung quan trọng là triển vọng phát triển của Nhà Pháp luật Việt - Pháp trong thời gian tới. Đoàn Việt Nam đã đề xuất một số định hướng hoạt động của Nhà pháp luật Việt - Pháp phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam trong thập niên tới, bám sát các khâu đột phá mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra như: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thể chế tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước pháp quyền và đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp chất lượng cao.

Về phương thức thực hiện, phát huy những bài học kinh nghiệm tốt từ thực tiễn hoạt động những năm qua của Nhà pháp luật Việt - Pháp, Đoàn Việt Nam đề nghị mở rộng phạm vi nội dung và chuyên gia tư vấn theo hướng tăng cường khả năng tham gia, thu hút các hoạt động hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp của các nước thuộc khu vực EU, để Nhà pháp luật Việt – Pháp  không chỉ trở thành trung tâm pháp luật Việt - Pháp tại Việt Nam mà còn là thiết chế hỗ trợ tiếp cận pháp luật của Cộng đồng Châu Âu, mở rộng giao lưu giữa giới luật gia các nước thuộc khối Pháp ngữ.

Kết quả là ngoài 3 Nghị quyết truyền thống, Ủy ban Định hướng đã thông qua Nghị quyết 18.4 về triển vọng phát triển của Nhà Pháp luật. Theo đó, hai bên khẳng định quyết tâm duy trì, đổi mới và phát triển hoạt động của Nhà Pháp luật trở thành thiết chế hợp tác kỹ thuật bền vững và hiệu quả của hai Chính phủ trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Nhằm mục đích này, hai bên sẽ thành lập một nhóm công tác có trách nhiệm xây dựng, trong thời hạn 6 tháng, một báo cáo đánh giá tình hình của Nhà Pháp luật Việt - Pháp về các khía cạnh liên quan đến Hiệp định, phạm vi hoạt động, cơ cấu tổ chức, nhân sự, các vấn đề tài chính và mọi vấn đề có liên quan khác. Nhóm công tác cũng sẽ đưa ra quan điểm của hai bên về những điểm nêu trên và những hướng phát triển mà hai bên đánh giá là cần thiết cho sự tồn tại lâu dài của Nhà Pháp luật Việt - Pháp. Ngoài ra, Nghị quyết 18.4 khẳng định cần tăng cường sự gắn kết các hoạt động của Nhà Pháp luật Việt - Pháp với các dự án, chương trình, nhà tài trợ quốc tế khác cũng như với các cơ quan Việt Nam và Pháp để nâng cao hình ảnh, hiệu quả hợp tác.

   

Mở rộng hợp tác, tăng cường gắn kết

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại CH Pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã thăm và làm việc với Bộ Tư pháp, Trường Thẩm phán quốc gia, Đoàn Luật sư Paris, Hội đồng Công chứng tối cao, Hội đồng Thừa phát lại quốc gia, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, Hội đồng Bảo hiến, Tham Chính viện, Tòa Phá án, Viện Công tố tại Tòa Phá án Cộng hòa Pháp và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của những người đứng đầu các cơ quan này.

Tại cuộc hội đàm song phương giữa Chưởng ấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp CH Pháp Michel Mercier và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường, hai bên đã trao đổi với nhau về tình hình chung của hai Bộ và bày tỏ mong muốn thắt chặt hơn nữa sự hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai nước. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: năm 2011 là một dấu mốc quan trọng đối với tiến trình đổi mới toàn diện của Việt Nam, trong đó có cải cách pháp luật và tư pháp. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI vừa thông qua các văn kiện chính trị quan trọng như Cương lĩnh (bổ sung, phát triển), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, định hướng cho sự phát triển dài hạn và trung hạn của đất nước với mục tiêu tổng quát từ nay đến giữa thế kỷ XXI là xây dựng Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội Việt Nam theo các tiêu chí - Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Ba khâu đột phá chiến lược đã được xác định là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường gắn với thể chế nhà nước pháp quyền XHCN để đảm bảo đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế; đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Các định hướng cải cách pháp luật và cải cách tư pháp được tiếp tục khẳng định với một số nội dung mới được bổ sung, trong đó có việc khẩn trương nghiên cứu sửa đổi một số đạo luật cơ bản về bộ máy Nhà nước. Đây chính là những ưu tiên có tính nguyên tắc định hướng cho sự hợp tác quốc tế của Việt Nam trên các lĩnh vực trong những năm tiếp theo, trong đó có hợp tác về pháp luật và tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp CH Pháp Michel Mercier rất quan tâm tới thông tin này và cho biết phía Pháp sẵn sàng tăng cường sự hợp tác về pháp luật và tư pháp với Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Pháp - Việt.

Chuyến công tác của Đoàn Việt Nam lần này còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và các cơ quan liên quan khác. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Lê Kinh Tài đã tham gia vào các hoạt động của Đoàn.

Nhóm PV

Tại Nghị quyết số 18.3, Ủy ban Định hướng Nhà pháp luật Việt – Pháp đã quyết nghị bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hảo làm Giám đốc Nhà Pháp luật Việt - Pháp bổ nhiệm ông François Touret de Coucy làm Phó Giám đốc Nhà Pháp luật Việt - Pháp cho nhiệm kỳ 2011 - 2013.