Thứ trưởng Mai Lương Khôi kiểm tra công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại Ninh Bình

06/07/2022
Thứ trưởng Mai Lương Khôi kiểm tra công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại Ninh Bình
Ngày 5/7, Đoàn công tác của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Phó Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Ninh Bình. Tham gia đoàn công tác có đồng chí Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý – Bộ Tư pháp ủy viên Hội đồng, các đồng chí đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính.
Đại diện tỉnh Ninh Bình có ông Trần Song Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, ông Phạm Minh Thường, Giám đốc Sở Tư pháp, ông Bùi Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cùng đại diện các cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Sở Tài chính, Đoàn Luật sư…
Báo cáo của Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Ninh Bình cho biết Hội đồng đã triển khai đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ được quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT. Các ngành thành viên đã chủ động xây dựng Kế hoạch  và quán triệt, triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT cho đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành, nhất là người tiến hành tố tụng; qua đó, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và cá nhân có liên quan đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với công tác trợ giúp pháp lý, từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL đảm bảo tính khách quan, công khai khi giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật.
Các ngành thành viên của Hội đồng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trách nhiệm quy định tại Thông tư liên tịch số 10.
(Ảnh: Đ/c Trần Song Tùng - Ủy viên BTV tỉnh ủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị)

Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thường xuyên thực hiện việc cung cấp biểu mẫu theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT (Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý; tờ gấp pháp luật; Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý…) và danh sách, số điện thoại của trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm tới các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp phát, giải thích cho đương sự .
Trung tâm phân công Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên phụ trách theo địa bàn và lịch trực theo tuần (cả ngày nghỉ lễ và nghỉ cuối tuần) để thông báo tới các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đảm bảo công tác phối hợp được kịp thời, thuận tiện; cử trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên xác minh thông tin trợ giúp pháp lý; cử, thay đổi trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý  tham gia các vụ việc nhanh chóng, đảm bảo thời gian quy định.
Công tác phối hợp ngày càng đi vào thực chất, số vụ việc có đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý do các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu ngày càng tăng.

Trên cơ sở báo cáo của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương, đại diện Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương đã trao đổi đề nghị làm rõ một số công việc đã triển khai tại địa phương, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình phối hợp như: việc cử người thực hiện trợ giúp pháp lý trong trường hợp án chỉ định, thực hiện các phương thức truyền thông, xác minh thông tin người thuộc diện trợ giúp pháp lý, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ…
Tại buổi làm việc, đánh giá về chất lượng tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, đại diện Tòa án nhân dân, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình, cơ quan điều tra một số huyện cho biết họ đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm làm việc của trợ giúp viên pháp lý. Ngay sau khi nhận được thông tin về người bị buộc tội, bị hại, đương sự do các cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến, trợ giúp viên pháp lý kịp thời liên hệ xác minh thông tin và thực hiện các thủ tục trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện trợ giúp pháp lý. Trong quá trình tham gia tố tụng, trợ giúp viên pháp lý nghiên cứu hồ sơ vụ án, gặp gỡ, tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý, tham gia báo chữa, bảo vệ tại tòa án thể hiện trình độ chuyên môn sâu và có bản lĩnh nghề nghiệp.
(Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương nhấn mạnh tính nhân văn, nhân đạo của hoạt động trợ giúp pháp lý, mang đến sự bảo vệ về pháp luật cho người nghèo và những đối tượng yếu thế khác. Thứ trưởng ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan liên ngành của tỉnh trong việc giúp người bị buộc tội, bị hại, đương sự tiếp cận sớm với trợ giúp pháp lý nói chung và công tác trợ giúp pháp lý của tỉnh nói riêng. Thứ trưởng ghi nhận đánh giá từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng về tinh thần, trách nhiệm của trợ giúp viên pháp lý cũng như chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý do đội ngũ này cung cấp. Mục đích cuối cùng của trợ giúp pháp lý là giúp càng nhiều người dân được biết về quyền được trợ giúp pháp lý của mình càng tốt và được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng. Với ý nghĩa cao cả của trợ giúp pháp lý và những kết quả đã có thì việc các cơ quan có thầm quyền bố trí kinh phí tương xứng là chính đáng. Vấn đề quan trọng là cần có sự chủ động từ phía Trung tâm trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp trong việc căn cứ vào các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai ở tỉnh, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để đề xuất cho phù hợp. Hiện nay, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: (i) Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; (ii) Chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025; (iii) Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đều có nội dung về trợ giúp pháp lý. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương bố trí kinh phí cho hoạt động này tại địa phương mình, tạo cơ sở tiếp tục đẩy mạnh, phát huy hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trong cả nước thời gian tới. Về việc triển khai Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại tòa án nhân dân, Thứ trưởng nhấn mạnh, phương thức trực là linh hoạt (trực tại trụ sở hoặc trực qua điện thoại) nhưng mục đích là: (1) xác định đầu mối tiếp nhận thông tin về trợ giúp pháp lý để có trách nhiệm giải quyết, (ii) Tòa án hỗ trợ để người dân được tiếp cận, được giải thích thông tin về trợ giúp pháp lý ngay khi đến tòa án thay vì việc phải đến trụ sở Trung tâm trợ giúp pháp lý.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Song Tùng  ghi nhận những kết quả hoạt động trợ giúp pháp lý của tỉnh cũng như của công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý. Đồng chí khẳng định trợ giúp pháp lý là không chỉ là trách nhiệm của Sở Tư pháp mà của cả hệ thống chính trị, cần có sự quan tâm của tất cả các cấp, các ngành. Do đó, cần có sự quan tâm của cấp ủy các cấp. Bên cạnh đó, sẽ đưa hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý trong hoạt động của ban dân vận tỉnh. Về kinh phí, Lãnh đạo tỉnh cũng sẽ quan tâm trong thời gian tới. Đồng chí Phó Chủ tịch đề nghị Sở Tư pháp cần có đề xuất cụ thể để báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy thời gian tới.
Phan Hà - Cục Trợ giúp pháp lý