Đồng chí Phạm Bình Minh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã nhấn mạnh như trên tại Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng" được tổ chức vào sáng 29/11.
Đổi mới tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá cao các báo cáo chuyên đề sát với tình hình xây dựng, thi hành pháp luật hiện nay, làm rõ định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục cụ thể hoá các định hướng đó trong việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể, góp phần thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thời gian tới.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra một hệ thống quan điểm sâu sắc, định hướng cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật trong nhiệm kỳ 2021 – 2025 và giai đoạn 2021 – 2030. Qua đó, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm phát triển bền vững kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường… Hệ thống pháp luật phải thống nhất, đồng bộ, minh bạch, ổn định, có tính khả thi cao, tương thích với pháp luật quốc tế.
Xây dựng pháp luật phải dựa trên yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn xã hội, lấy tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật là thước đo, là cơ sở cho quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật; cần bảo đảm sự tham gia của Nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật, từ đó tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thi hành pháp luật. Cùng với đó, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế gắn với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh…
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Công tác tổ chức thi hành pháp luật cần đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phương thức, bảo đảm đủ nguồn lực, lấy chính quyền cơ sở là “hạt nhân”, lấy người dân là trọng tâm cũng là chủ thể thụ hưởng trong xây dựng chính sách, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương; thực hiện nghiêm các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết.
Để thực hiện thắng lợi những định hướng nêu trên trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, cần tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo gắn với kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời phải xây dựng được cơ chế phù hợp để bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Quan tâm, chú trọng đầu tư nguồn lực về con người
Đề cập đến những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục quán triệt sâu sắc, tập trung thể chế hoá các nội dung, yêu cầu định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, bám sát 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định; các Kết luận của Bộ Chính trị, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Trong đó, Bộ Tư pháp có vai trò quan trọng trong tham mưu giúp Chính phủ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chuẩn bị dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật; tích cực tham mưu giúp Ban cán sự Đảng Chính phủ về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các bộ, ngành trong phạm vi, lĩnh vực quản lý cần khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật, xác định rõ những điểm chưa thống nhất, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Các bộ, ngành, cơ quan bám sát Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội hằng năm, Kết luận số 19-KL/TW và Kế hoạch triển khai thi hành Kết luận số 19 nêu trên, chủ động sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản, đồng thời phải tổ chức thực hiện hiệu quả để pháp luật đi vào cuộc sống.
Chính phủ các nhiệm kỳ trước đã đặt ra vấn đề xây dựng thể chế phải liên quan đến nguồn lực con người, chính vì thế đã đặt ra yêu cầu có Vụ Pháp chế ở tất các Bộ, ngành để tiến hành tham mưu, kiến nghị trong vấn đề xây dựng và thực thi pháp luật. Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, tăng cường, chú trọng đầu tư nguồn lực về con người, các điều kiện đảm bảo cho công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “đầu tư xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển”, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các vị đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, sớm hoàn thiện và gửi kết quả Hội thảo đến các cơ quan có thẩm quyền tham khảo trong công tác tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, xây dựng và thực thi pháp luật.
Đây là nguồn tư liệu quý phục vụ trực tiếp cho việc nghiên cứu, xây dựng Chiến lược hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan sử dụng kết quả Hội thảo trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm yêu cầu thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và thực thi hiệu quả trong thực tiễn.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời tăng cường giám sát công tác tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật.
Ban Nội chính Trung ương tham mưu Ban Chỉ đạo chuẩn bị và trình Đề án Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 để xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương hướng, các nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.