Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, tạo chuyển biến trong thi hành pháp luật

30/11/2021
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, tạo chuyển biến trong thi hành pháp luật
Tại Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, nhiều đại biểu đã kiến nghị nhiều giải pháp để tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật thời gian tới.

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chỉ rõ thực trạng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ở nước ta hiện nay. Trong đó, pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước không ngừng được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự vận hành thông suốt của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân được quan tâm hoàn thiện và có nhiều điểm tiến bộ.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã mang nhiều đặc điểm của thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế; pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong các tình huống khẩn cấp nhanh chóng được ban hành với nhiều giải pháp, chính sách quyết liệt, đồng bộ đã kịp thời ứng phí, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quy trình xây dựng pháp luật ngày càng hoàn thiện, có nhiều điểm mới; công tác tổ chức thi hành pháp luật ngày càng được quan tâm thực hiện…

Để tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, trong thời gian tới, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị rà soát, tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật xử lý những vấn đề đặt ra trong phòng, chống và khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế; tiếp tục hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cấp công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xây dựng Chính phủ số trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về bộ máy nhà nước, nhất là bộ máy hành chính nhà nước theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo đảm quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới; tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thượng tôn pháp luật; coi trọng việc xử lý các khía cạnh pháp lý của quá trình hội nhập.

Tăng cường công tác phối hợp

Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ, trong lĩnh vực lao động và an sinh xã hội, hệ thống thể chế, luật pháp trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được xây dựng và hoàn thiện khá đầy đủ, đồng bộ. Hầu hết các lĩnh vực đều đã có luật và các văn bản dưới luật điều chỉnh, cơ bản phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, bảo đảm quyền con người và hội nhập quốc tế.

Trong giai đoạn tới, để tận dụng hiệu qủa các cơ hội và vượt qua các khó khăn, thách thức, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động và an sinh xã hội nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo sự thống nhất, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng và tổ chức thực hiện; đổi mới cơ chế, huy động phân bổ và đa dạng hóa các nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức thực hiện pháp luật về lao động và an sinh xã hội. Thực hiện phân quyền, giao quyền gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; mở rộng và phát triển quan hệ quốc tế trong nghiên cứu thực tiễn, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật…

Còn đồng chí Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ thì chia sẻ về thực tiễn hơn 15 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, đã phát huy vai trò trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các sản phẩm trí tuệ, thực thi pháp luật trong nước và hội nhập quốc tế; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhằm thực thi hiệu quả các văn bản pháp luật về SHTT, đồng chí đề xuất triển khai Chiến lược SHTT quốc gia làm cơ sở cho việc xác định các mục tiêu, định hướng phát triển của hệ thống SHTT; tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về pháp luật SHTT. Thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực SHTT để sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và phù hợp với các thỏa thuận quốc tế có liên quan; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn với tổ chức pháp chế trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật…