Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực đăng ký và thống kê hộ tịch

24/11/2021
Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực đăng ký và thống kê hộ tịch
Sáng 23/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024 thông qua hình thức trực tuyến.
Tham dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc; bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam; ông Romain Santon, Phó Giám đốc phụ trách Khu vực châu Á – Thái Bình Dương tổ chức Vital Strategies; ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp.
Hệ thống đăng ký hộ tịch có nhiều bước tiến lớn
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh quyền đăng ký hộ tịch là một trong những quyền nhân thân cơ bản của con người, được pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm thực hiện từ Hiến pháp đến các luật của Quốc hội và các văn bản dưới luật. Đối với Việt Nam, việc triển khai Tuyên bố, Khung hành động gắn với các chương trình, kế hoạch quốc gia về đăng ký hộ tịch, đặc biệt là tổ chức thực hiện Luật hộ tịch năm 2014 và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Vì vậy, hệ thống đăng ký hộ tịch của Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn cả về thể chế pháp luật, tổ chức bộ máy cho tới cán bộ tư pháp hộ tịch được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phù hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đăng ký và quản lý hộ tịch trực tuyến hiệu quả, chính xác, thuận lợi cho người dân, bảo đảm mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác đăng ký và thống kê hộ tịch vẫn còn những khó khăn, thách thức trong bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, việc áp dụng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trên thực tế cho tới sự mất cân đối về các nguồn lực dành cho công tác đăng ký hộ tịch kể cả nguồn nhân lực, tài chính và các điều kiện khác.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc bày tỏ mong muốn Hội nghị này sẽ là cơ hội tốt để các Bộ, ngành, địa phương đánh giá lại toàn diện, đầy đủ thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 nhằm thực hiện thành công các nhiệm vụ đặt ra trong Chương trình, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Còn nhiều vấn đề cần gỡ vướng
Theo Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch (CRVS) giai đoạn 2017 – 2021, qua gần 05 năm triển khai thực hiện Chương trình CRVS, với sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chương trình CRVS đã có những tác động tích cực đối với công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên toàn quốc, tạo nên khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh để thực hiện và đạt những mục tiêu về đăng ký khai sinh, kết hôn và khai tử.
Phương thức đăng ký hộ tịch dần chuyển hiện đại với việc triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, sự quan tâm của chính quyền các cấp đã đưa đến sự phối hợp tốt hơn giữa cơ quan đăng ký hộ tịch và các ban, ngành có liên quan để nâng cao nhận thức về vai trò ý nghĩa của Chương trình CRVS, từ đó nâng cao chất lượng đăng ký, thống kê hộ tịch. Chương trình CRVS đã thiết lập được bước đầu cơ chế chỉ đạo điều hành hoạt động CRVS ở tầm quốc gia; cơ chế phối hợp giữa ngành Tư pháp và các ngành có liên quan; củng cố, kiện toàn cơ bản, toàn diện hệ thống công chức làm công tác đăng ký, thống kê hộ tịch.
Mặc dù đã tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch và đạt được những kết quả đáng khích kệ, tuy nhiên, 05 năm triển khai Chương trình CRVS vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: việc phối hợp, chỉ đạo thực hiện Chương trình CRVS còn chưa chặt chẽ, kịp thời; nguồn lực cho triển khai chưa đáp ứng được yêu cầu; việc thực thi quy định pháp luật hộ tịch chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan…
Tại Hội thảo, bà Hoàng Thanh Hương (đại diện Bộ Y tế) chia sẻ, hiện nay vẫn còn tình trạng bỏ sót thông tin trẻ sinh ra tại vùng núi, vùng sâu vùng xa do nhân viên y tế khó tiếp cận với số liệu tử vong mới thu thập từ các cơ sở y tế, số liệu này rất thấp so với thực tế. Để thu thập đa số các trường hợp tử vong tại cộng đồng cần có sự phối hợp, trao đổi thông tin từ các ban, ngành liên quan.
Do đó, bà Hương nêu ý kiến, trong thời gian tới, cần nghiên cứu xây dựng văn bản cơ chế phối hợp giữa cơ quan y tế với cơ quan đăng ký hộ tịch để đảm bảo liên thông giấy chứng sinh – giấy khai sinh, giấy báo tử - giấy chứng tử nhằm ghi nhận đầy đủ, chính xác nguyên nhân tử vong khi đăng ký khai tử và cấp Giấy chứng tử; Quy chế phối hợp giữa các Bộ, Ngành trong việc thiết lập cơ sở dữ liệu điện tử; Thông tư quy định bộ công cụ thu nhập nguyên nhân tử vong ngoài cơ sở y tế.
Đại diện Sở Tư pháp Hà Giang cũng chia sẻ về tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống là vấn đề nhức nhối tại địa phương. Để giảm thiểu tình trạng này, Sở Tư pháp đã vận động, tuyên truyền cho đồng bào về việc thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, chính sách Dân số - Kế hoạch hoá gia đình; triển khai một số mô hình điểm trên địa bàn các huyện. Bên cạnh đó, trên cơ sở hương ước, quy ước của thôn, bản thì địa phương đã phối hợp với chính quyền xã hướng dẫn các thôn xây dựng bổ sung các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình vào quy ước, hương ước các thôn. Đồng thời các thôn, bản ký cam kết với xã không có người vi phạm tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Thiên Thanh