Thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

20/04/2021
Thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
Sáng ngày 20/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cùng tham dự cuộc họp.
Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2005 (Luật số 50/2005/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật số 36/2009/QH12) và năm 2019 (Luật số 42/2019/QH14) (sau đây gọi là “Luật Sở hữu trí tuệ”). Đây là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ.
Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, thực thi pháp luật trong nước và hội nhập quốc tế; cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ còn là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ SHTT của Việt Nam đạt chuẩn mực theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (TRIPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như đáp ứng các nghĩa vụ theo cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gần đây.
Tuy nhiên, với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định trong một số lĩnh vực, như: Lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan; Lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp; Lĩnh vực quyền đối với giống cây trồng.
 

 
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế SHTT; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 15 năm thi hành; thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế; từ đó hoàn thiện thể chế về SHTT theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền SHTT được bảo vệ và thực thi hiệu quả, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Các thành viên Hội đồng thẩm định đã tập trung trao đổi, thảo luận về một số nội dung quan trọng, như: đánh giá sự phù hợp của nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với mục đích đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh, chính sách trong đề nghị xây dựng Luật, pháp lệnh đã được thông qua; đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật, tính tương thích với các Điều ước quốc tế có liên quan; điều kiện đảm bảo nguồn nhân lực...
N.D