Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành PL tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025

12/04/2021
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành PL tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025
Trong hai ngày 08 và 09/4/2021, tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tư pháp phối hợp với JICA Nhật Bản và các cơ quan đối tác Việt Nam (Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam) tổ chức Hội nghị triển khai Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 do JICA Nhật Bản hỗ trợ. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã tham dự phiên khai mạc và phát biểu khai mạc Hội nghị. Hội nghị do ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và ông Yokomaku Kosuke, Cố vấn trưởng Dự án JICA đồng chủ trì.
Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam, có đại diện Lãnh đạo và cán bộ đầu mối phụ trách của 06 cơ quan đối tác tham gia Dự án. Về phía địa phương nơi tổ chức Hội nghị có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa. Về phía Nhật Bản, có ông SHIMIZU Akira, Trưởng đại diện JICA Việt Nam và các chuyên gia và cán bộ Văn phòng Dự án JICA (tham dự trực tiếp). Tham dự trực tuyến tại đầu cầu Nhật Bản có Giáo sư MORISHIMA Akio-Giáo sư danh dự Đại học Nagoya, Nhật Bản, đại diện Bộ Tư pháp Nhật Bản (Ông Morinaga Taro, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế-Viện Nghiên cứu và đào tạo) và đại diện JICA Trụ sở chính (Ông Kobayasi Yosuke, Trưởng Phòng Pháp luật và Tư pháp).
Tại Phiên Khai mạc, Giáo sư MORISHIMA Akio đã đánh giá cao những thành tựu mà đất nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế và xã hội kể từ khi thực hiện các chính sách đổi mới. Với Dự án JICA giai đoạn 2021-2025, hai Bên sẽ tiếp tục cùng nhau triển khai thực hiện nhiều hoạt động với mục tiêu chính là tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chính sách cải cách tư pháp và pháp luật của Việt Nam và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng cao.
Trong bài phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã tái khẳng định sự hình thành và phát triển của dự án  JICA trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp qua các giai đoạn gắn liền vớilịch sử thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Trong chặng đường phát triển 35 năm qua của Việt Nam và trong chặng đường hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Nhật Bản, cá nhân Giáo sư MORISHIMA Akio cùng đội ngũ các chuyên gia Nhật Bản và JICA đã luôn sát cánh và đóng góp công sức của mình thông qua nhiều Dự án qua các giai đoạn khác nhau. Việc triển khai thực hiện các Dự án này đã đem lại sự kết nối, chia sẻ, gắn kết, thông hiểu và hợp tác giữa các cơ quan và cán bộ, chuyên gia, học giả pháp luật và tư pháp của Việt Nam và Nhật Bản góp phần quan trọng vào những kết quả chung của mối quan hệ đối tác chiến lược tốt đẹp Việt Nam-Nhật Bản. Với kỳ vọng mà Chính phủ hai nước đã đặt ra và nêu tại Lễ khởi động Dự án được tổ chức vào tháng 12/2020 vừa qua với sự chứng kiến của Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản KAMIKAWA Yoko, Phó Chủ tịch JICA Nhật BảnNAKAMURA Toshiyuki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt NamYAMADA Takio, cùng đại diện lãnh đạo của các cơ quan đối tác của Dự án, mỗi cơ quan đối tác Việt Nam và Nhật Bản đều nhận thấy những thách thức không nhỏ, đòi hỏi từng cơ quan đối tác và từng cá nhân tham gia cần có trách nhiệm và quyết tâm cao để có thể triển khai thành công Dự án trong cả giai đoạn 2021-2025. Văn kiện Dự án cũng như các tài liệu có liên quan của Dự án một mặt kế thừa những kết quả, kinh nghiệm của các Dự án trước đây, nhưng có khá nhiều điểm mới từ cách tiếp cận vấn đề cho tới giải quyết vấn đề, cách thức tổ chức vận hành và quản lý dự án và các hoạt động cụ thể của Dự án. Tất cả các nội dung này đã được hai phía Việt Nam và Nhật Bản thảo luận và thống nhất trong văn kiện dự án mới và các tài liệu có liên quan.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Vụ Pháp luật Ban Nội chính Trung ương đã cập nhật kết quả thực hiện Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 (Nghị quyết số 48), tầm nhìn đến năm 2020 và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49) cũng như khái quát một số định hướng về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong thời gian tới theo tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận để đi đến thống nhất về một số vấn đề như: Bộ Quy tắc và tài liệu hướng dẫn thực hiện Dự án (bao gồm quy trình xác định các vấn đề ưu tiên cần giải quyết; tiêu chí, thủ tục thành lập Nhóm Công tác tại các cơ quan; quy trình tổ chức các Diễn đàn cấp cao; thủ tục thực hiện các hoạt động nghiên cứu, điều tra xã hội…); cách tiếp cận và phương thức xây dựng Kế hoạch hoạt động của Dự án trong năm đầu tiên 2021 cũng như một số vấn đề khác trong quản lý, vận hành Dự án.
Vụ Hợp tác quốc tế