Thống nhất quản lý vấn đề phổ biến phim trong dự án Luật Điện ảnh

02/04/2021
Thống nhất quản lý vấn đề phổ biến phim trong dự án Luật Điện ảnh
Ngày 02/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chù trì phiên họp thẩm định dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cùng dự.

Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009 đã tạo cơ sở pháp lý phát triển nền điện ảnh Việt Nam, đồng thời đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam cùng các điểm đến du lịch Việt Nam..
 

 
Tuy nhiên, đến nay, nhiều quy định của Luật Điện ảnh không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế -xã hội. Qua 14 năm thực hiện có một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung trong Luật Điện ảnh. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của khoa học và công nghệ kỹ thuật số trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thay đổi căn bản ngành công nghiệp điện ảnh khiến một số quy định của Luật Điện ảnh trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với sự phát triển của điện ảnh. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh là rất cần thiết.
Tại phiên họp thẩm định, bên cạnh việc thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý, khả thi thì các đại biểu dự phiên họp đã tập trung thảo luận 03 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau như: Quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước; Quy định về phổ biến phim trên không gian mạng quốc gia; Quy định về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Đánh giá tổng thể hồ sơ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã có những bước chuẩn bị và thể hiện rõ quyết tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhận định, nội dung cụ thể của từng tài liệu trong hồ sơ dự án Luật còn nhiều vấn đề cần phải được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý kỹ lưỡng hơn.
 

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng cho ý kiến về một số vấn đề như phổ biến phim, kinh doanh dịch vụ phổ biến phim, chiếu phim lưu động, cấp giấy phép phân loại phim... Về vấn đề phổ biến phim, theo Thứ trưởng đây là một chương có tác động lớn của dự án Luật, đặc biệt trong bối cảnh mới hiện nay, khoa học công nghệ và công nghiệp văn hóa ở nhiều nước trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, thị hiếu và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng ngày càng cao, các quy định về phổ biến phim trên internet, khai thác phim từ vệ tinh cần được điều chỉnh phù hợp để phát huy được vai trò, ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Theo Thứ trưởng, quy định về phổ biến phim tại dự án Luật này cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước, cơ chế phối hợp của các bộ, cơ quan có liên quan trong các lĩnh vực văn hóa, thông tin truyền thông và sở hữu trí tuệ. Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định theo hướng thống nhất quản lý vấn đề phổ biến phim theo những tiêu chí chung, đặc biệt cần quy định chi tiết các nội dung bị cấm, nội dung bị hạn chế trong quá trình phổ biến phim.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu của Hội đồng, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, thể chế hóa cụ thể các chính sách đã được Chính phủ thông qua để tạo đồng thuận giữa các Bộ, ngành, đồng thời gửi lại Báo cáo tiếp thu, giải trình tới Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ.
An Như