Sáng 13/4, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người nghèo và nhóm yếu thế. Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc; ông Giorgio Aliberti, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và bà Sitara Syed - Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định trợ giúp pháp lý (TGPL) được xác định là trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm các quyền con người vàthể hiện truyền thống đạo lý, tính nhân văn của người Việt Nam. Nnhấn mạnh một số kết quả tích cực sau hơn 3 năm thực hiện Luật TGPL, Thứ trưởng cho biết: nhận thức của người dân và chính cán bộ cơ quan Nhà nước, trong đó có các cơ quan pháp luật đã có nhiều thay đổi tích cực, chất lượng TGPL không ngừng được nâng cao... Mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã ưu tiên nguồn lực cho công tác TGPL; đưa TGPL lồng ghép vào các chương trình xoá đói giảm nghèo để ưu tiên huy động nguồn lực cho công tác này.
Thứ trưởng bày tỏ hy vọng Hội thảo này sẽ giúp cộng đồng quốc tế hiểu thêm về những nỗ lực, kết quả, thành công và những thách thức, khó khăn của Việt Nam trong TGPL để từ đó có những hoạt động hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục TGPL cho biết, chính sách pháp luật và việc thực hiện TGPL trong thời gian qua đã khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong bảo đảm quyền được TGPL của công dân, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là bảo vệ người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Kết quả hoạt động TGPL đã có tác động tích cực trong việc đảm bảo chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, bảo đảm thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đã được chuẩn hoá và được thường xuyên bồi dưỡng trau dồi kỹ năng tay nghề. Đến nay, đây là đội ngũ nòng cốt đảm nhận hầu hết các vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng. Nhiều Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 70 – 90 vụ việc TGPL tham gia tố tụng/năm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện TGPL cho người nghèo và nhóm yếu thế còn một số hạn chế. Cụ thể, so với số lượng người thuộc diện TGPL thì số vụ việc đã thực hiện được vẫn còn hạn chế; đội ngũ người thực hiện TGPL chưa nhiều, đặc biệt là các tỉnh miền núi…
Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết trong những năm vừa qua, một số Đoàn Luật sư (ĐLS) như ĐLS TP. Hà Nội, ĐLS TP. Hồ Chí Minh ngoài việc tổ chức TGPL miễn phí cho người dân ngay tại địa phương mình còn phối hợp với UBND các cấp ở tỉnh khác tổ chức các ĐLS đi TGPL miễn phí cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số.
Để công tác TGPL của luật sư ngày càng hiệu quả hơn nữa, Liên đoàn và các ĐLS cần tiếp tục nghiên cứu hướng dẫn cụ thể về việc trách nhiệm của ĐLS trong việc quản lý, giám sát luật sư tham gia thực hiện TGPL; đổi mới và đa dạng hoá về nội dung và hình thức tổ chức TGPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng luật sư cả về kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn và đạo đức luật sư; tăng cường công tác truyền thông về hoạt động TGPL miễn phí của đội ngũ luật sư…
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng tích cực trao đổi, thảo luận về các giải pháp tăng cường tiếp cận TGPL cho người nghèo và nhóm yếu thế.
Phương Mai