Tăng cường sự phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp

22/12/2020
Tăng cường sự phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp
Sáng 22/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan đầu mối triển khai thực hiện Đề án 2083. Bộ Tư pháp đã quan tâm chỉ đạo sát sao Học viện triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả. Cụ thể, hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng của Học viện đã được cập nhật, bổ sung, hoàn thiện theo yêu cầu, nhiệm vụ được giao; Học viện đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đào tạo các chức danh tư pháp được giao trong Đề án 2083; chức năng đào tạo của Học viện được mở rộng từ năm 2018; Tổ chức bộ máy của Học viện Tư pháp đã cơ bản được kiện toàn, đội ngũ giảng viên được phát triển cả về số lượng và chất lượng…Đồng chí cho biết thêm, trong giai đoạn 2021-2030, mục tiêu đề ra là phát triển Học viện Tư pháp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, mở rộng quy mô và đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngang tầm khu vực và tiếp cận gần hơn với trình độ quốc tế.
 

Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu
 
Đánh giá cao kết quả mà Học viện đã đạt được trong việc thực hiện Đề án, đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp chia sẻ, trong các quy định hiện hành về đào tạo chức danh trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã chỉ rõ cơ sở đào tạo là Học viện tư pháp. Đồng chí khẳng định, trong thời gian qua, Học viện Tư pháp đã thực hiện tốt chức năng đào tạo, bồi dưỡng các chức danh và nghề bổ trợ tư pháp. Đồng chí cho rằng, việc đào tạo một số chức danh tư danh bổ trợ tư pháp hiện nay đã bão hòa như đấu giá viên, thừa phát lại – đây cũng là khó khăn trong vấn đề đào tạo, bồi dưỡng của Học viện. Tuy vậy, theo đồng chí Nguyễn Thị mai, vẫn có những lĩnh vực đang có nhu cầu rất lớn như đào tạo các lớp luật sư chất lượng cao, luật sư hội nhập quốc tế, trọng tài và hoà giải thương mại, đây là những lĩnh vực có nhu cầu rất lớn. Bên cạnh đó, Học viện tiếp tục nghiên cứu đào tạo chung 3 chức danh tư pháp. Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị Học viện tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định chuẩn đầu vào của nghề bổ trợ tư pháp và các khó khăn vướng mắc về thể chế để Cục Bổ trợ tư pháp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi…
 
Toàn cảnh Hội nghị
 
 
Cũng đánh giá cao kết quả mà Học viện Tư pháp đã đạt được trong việc thực hiện Đề án. Đồng chí Đào Thị Hoài Thu, đại diện Ban Nội chính Trung ương cũng chia sẻ khó khăn của Học viện. Trên cơ sở kết quả đạt được, đồng chí tán thành việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã đề ra trong Đề án, tuy nhiên cần nghiên cứu thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ cho phù hợp với tình hình mới. Năm 2021, Ban Nội chính Trung ương sẽ xem xét Báo cáo của trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh và Học viện Tư pháp sẽ đề xuất Ban Chỉ đạo trong quý 1 về việc tiếp tục thực hiện Đề án này.
Chia sẻ về công tác tuyển sinh và đào tạo chức danh kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, đồng chí Trịnh Phương Thảo, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, thời gian qua, chỉ tiêu đào tạo các chức danh tư pháp có phần sụt giảm. Hiện nay, Viện Kiểm sát thực hiện đào tạo trong giờ hành chính bằng hình thức tập trung từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 6 của năm kế tiếp. Do đó, nhu cầu được đào ngoài giờ hành chính và đào tạo tại tỉnh là lớn. Đồng chí đề nghị Học viện cân nhắc các khoá đào tạo kiểm sát viên linh hoạt, xen kẽ, ngoài giờ và tại tỉnh để đáp ứng nhu cầu của người học.
 

Đ/c Đào Thị Hoài Thu,
đại diện Ban Nội chính Trung ương

Đ/c Trịnh Phương Thảo,
đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
 
Việc tuyển dụng trong thời gian gần đây là rất ít, không tăng, thậm chí giảm cũng là chia sẻ của đồng chí Ngô Minh Thành, đại diện Tòa án nhân dân tối cao. Đồng chí cũng cho rằng, việc đào tạo, bồi dưỡng cần tăng cường sự phối hợp giữa ba cơ quan Tư pháp, Tòa án, Viện Kiểm sát để chuẩn hóa chung 01 chương trình đào tạo. Đây cũng là ý kiến của đồng chí Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy và đồng chí Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và kết quả đã đạt được của Học viện Tư pháp trong công tác tổ chức thực hiện Đề án. Đồng thời khẳng định, qua 07 năm thực hiện Đề án, các Bộ, ngành và địa phương liên quan và đặc biệt là Học viện Tư pháp đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ đề ra và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
 

Đ/c Ngô Minh Thành,
đại diện Tòa án nhân dân tối cao

Đ/c Nguyễn Kim Tinh,
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy BTP

Trong đó, cơ bản hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát của Đề án; tiếp tục khẳng định vai trò là đầu mối đào tạo các chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp; quy mô đào tạo, bồi dưỡng của Học viện từng bước phát triển; đội ngũ giảng viên phát triển cả về số lượng và chất lượng…
Thứ trưởng đề nghị Học viện Tư pháp chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị có liên quan hoàn thiện Báo cáo tổng kết gửi Thủ tướng Chính phủ, nghiên cứu đề xuất các nội dung hợp lý, khả thi của Quyết định điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Đề án và lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương có liên quan. Bên cạnh đó, Vụ Tổ chức cán bộ cần phối hợp chặt chẽ với Học viện Tư pháp và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ quy trình, thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Đề án những năm tiếp theo.
 

Đ/c Phan Thị Hồng Hà,
Quyền Vụ trưởng Vụ TCCB

Đ/c Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư

Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương có liên quan quan tâm và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án…
An Như – Trung tâm Thông tin