Hội thảo “Đánh giá 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp”

29/11/2020
Hội thảo “Đánh giá 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp”
Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2020 của Dự án "Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam" (Dự án EU JULE) do Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tài trợ, ngày 24/11/2020, Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực tiễn 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp” tại thành phố Hồ Chí Minh. Đến dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, bà Sitara Syed, Phó Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam và Tiến sỹ Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp. Tham dự Hội thảo còn có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Công an, đại diện 25 Sở Tư pháp khu vực phía Nam, đại diện Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan Công an tại TP Hồ Chí Minh; đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam; đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; đại diện một số tổ chức quốc tế, đối tác nước ngoài.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Lý lịch tư pháp đã khẳng định được vị trí quan trọng trong quản lý nhà nước, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và hỗ trợ hoạt động của các cơ quan tư pháp. Luật Lý lịch tư pháp đã xác lập những nguyên tắc, quy trình, thủ tục thuận lợi để lập và cấp phiếu lý lịch tư pháp, cơ chế quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, tạo cơ sở pháp lý ở tầm luật của Quốc hội để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp ngày càng tăng của người dân, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận công tác lý lịch tư pháp vẫn còn những điểm tồn tại, hạn chế trong bối cảnh đất nước đang phát triển nhanh, tổ chức thi hành Hiến pháp năm 2013 với các quy định mới đề cao, tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; việc tổ chức thi hành Luật Lý lịch tư pháp tại một số cơ quan, đơn vị và những thời điểm nhất định cũng chưa đạt được kết quả như mong đợi; công tác quản lý nhà nước, phối hợp liên ngành về lý lịch tư pháp còn cần hiệu quả, chặt chẽ hơn. Do đó, việc tổ chức Hội thảo là một cơ hội tốt để những người làm công tác LLTP cùng tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và rút ra bài học kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp, cách làm hay, khả thi để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý lịch tư pháp.
Hội thảo đã được nghe Tiến sỹ Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia trình bày những nội dung cơ bản của Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp. Hội thảo cũng được nghe  một số chuyên đề tham luận về thực tiễn 10 năm thi hành Luật tại các bộ, ngành, địa phương; chuyên gia tư vấn của UNDP trình bày kết quả nghiên cứu về thực tiễn thi hành Luật Lý lịch tư pháp, trọng tâm là vấn đề xóa án tích trong lĩnh vực lý lịch tư pháp và kinh nghiệm quốc tế về lý lịch tư pháp và những khuyến nghị cho Việt Nam. 
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các đại biểu bộ, ngành, địa phương và các cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp đã trao đổi, thảo luận rất sôi nổi về thực tiễn 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp, về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Luật, đặc biệt là công tác tra cứu, xác minh thông tin về án tích để cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Nhiều giải pháp, cách làm hay đã được đề xuất nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Lý lịch tư pháp, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lý lịch tư pháp trong thời gian tới.
 
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia