Công tác tư pháp 06 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả trong điều kiện đất nước chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch
Trước tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động lớn do đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều Kết luận, Nghị quyết, Chỉ thị nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế. Toàn ngành Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, có giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
.
Báo cáo sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp công tác 6 tháng cuối năm 2020, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, Bộ, ngành Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các chương trình/kế hoạch công tác để phù hợp với điều kiện mới, trong đó hạn chế việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các đoàn thanh tra, kiểm tra; tăng cường các cuộc họp, chỉ đạo trực tuyến, bám sát tình hình dịch bệnh, chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 để chỉ đạo, hướng dẫn công tác; tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, tăng cường hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của địa phương, các cá nhân. Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh và đề xuất điều chỉnh giảm một số loại phí trong các lĩnh vực công tác tư pháp (công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm…).
Chất lượng công tác thẩm định VBQPPL, chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL nhìn chung được cải thiện tốt hơn, các dự án luật đều được Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao; công tác rà soát VBQPPL được các Bộ, ngành triển khai quyết liệt; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp ứng phó với đại dịch được thực hiện kịp thời, có chất lượng. Đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp phiếu LLTP, gắn với việc hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đào tạo học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở đào tạo của Bộ tiếp tục thu được nhiều kết quả ấn tượng; hoàn thành việc gia nhập Công ước La Hay 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, hội nghị trực tuyến, các phần mềm chuyên ngành, trong Ngành được đẩy mạnh; chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được duy trì ở mức cao. Một số lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra. Những kết quả nêu trên tiếp tục thể hiện sự đóng góp ngày càng quan trọng của công tác tư pháp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, cơ quan tư pháp địa phương có nhiều đề xuất nâng cao chất lượng công tác tư pháp
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục THADS TP.Hà Nội nhận định, công tác bán đấu giá tài sản luôn là một trong những vấn đề “nóng” trong toàn hệ thống THADS, trong đó khó khăn lớn nhất đó là bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản. Đồng chí cho biết thêm, các cơ quan THADS trên địa bàn thành phố hiện còn hơn 200 trường hợp chưa giao được tài sản đã đấu giá thành, tương ứng với số tiền hơn 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc khác liên quan tới việc thẩm định giá như giá khởi điểm còn phụ thuộc nhiều quy định như Luật giá, các khung giá cụ thể, giá thị trường; việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá còn một số bất cập, hạn chế phần nào quyền tiếp cận của người dân khi mua hồ sơ tham gia đấu giá; Chấp hành viên chưa giám sát chặt chẽ việc ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá…
Đồng chí Lê Xuân Hồng đề nghị Tổng cục THADS cần rà soát, lập danh sách các tổ chức bán đấu giá có uy tín để việc lựa chọn, ký hợp đồng được đảm bảo yêu cầu đồng thời kiến nghị tăng mức xử phạt khi xử lý các sai phạm, thiếu sót trong quá trình thẩm định giá, bán đấu giá tài sản.
Nhất trí với Báo cáo công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020, đồng chí Nguyễn Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk nêu một số vấn đề về đấu giá của địa phương. Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí đã thẳng thắn nêu lên các tồn tại, hạn chế, nhất là trong hoạt động đấu giá tài sản. Theo đồng chí, mặc dù có những vi phạm trong đấu giá, nhưng không phải vi phạm nào cũng do Đấu giá viên, mà do cả người tham gia đấu giá và người có tài sản đấu giá.
Đưa ra một số giải pháp cho hoạt động đấu giá, đồng chí kiến nghị: Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về đấu giá tài sản; Quy định quy trình định giá khung giá đất sát hơn so với thực tế, tránh tình trạng lợi dụng khe hở để trục lợi; Bên cạnh đó cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan Công an; Ban hành tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá phù hợp, khách quan; Tiếp tục vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đấu giá để hoạt động đấu giá minh bạch hơn.
Khẳng định công tác tư pháp ở Tuyên Quang đang triển khai đúng định hướng của Bộ, đồng chí Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, Sở Tư pháp Tuyên Quang là Sở đầu tiên trong các Sở của Tỉnh thực hiện xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn và năm 2019 cũng là năm thứ 6 liên tục dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính của các Sở, ngành cấp Tỉnh. Đồng chí cũng chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong một số lĩnh vực như: Về công chứng, có tình trạng co kéo các Công chứng viên để thành lập các Văn phòng công chứng, một công chứng viên đi sẽ kéo theo nhiều công chứng viên khác đi theo, có những Văn phòng công chứng tìm Công chứng viên hợp danh rất khó khăn và đứng trên bờ đóng cửa. Đồng chí đặt câu hỏi, nếu đóng cửa thì hồ sơ công chứng sẽ xử lý như thế nào. Bên cạnh đó, còn có tình trạng “ghi danh, một tháng đến văn phòng 1-2 buổi ký vài văn bản mang tính chất là có”. Do đó, đồng chí đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục có các hướng dẫn để quản lý chặt chẽ hoạt động của các Văn phòng công chứng và các Công chứng viên.
Về Đấu giá, đồng chí cho biết, theo quy định của pháp luật chỉ có doanh nghiệp và chi nhánh đăng ký hoạt động, Tuyên Quang chỉ có một Trung tâm đấu giá trực thuộc Sở Tư pháp, nhưng hiện tại vẫn có các doanh nghiệp khác không đăng ký tại tỉnh nhưng vẫn hoạt động tại tỉnh. Do đó Sở Tư pháp rất khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra, thanh tra. Theo đồng chí, các doanh nghiệp khác phải thực hiện đăng ký hoạt động giống mô hình Công chứng viên là phải đăng ký hoạt động tại tỉnh thì mới thực hiện được cuộc đấu giá, để đảm bảo quản lý tài sản của nhà nước, tránh trường hợp thông đồng giữa cơ quan, người quản lý tài sản của nhà nước với tổ chức đấu giá.
Về cấp Phiếu Lý lịch tư pháp quốc gia, đồng chí đề nghị có thủ tục riêng cho xóa án tích, bởi trường hợp này phải xác minh ở rất nhiều nơi mà họ đã đi qua, nên thời gian cấp là không bảo đảm theo quy định. Ở Tuyên Quang có hơn 99% hồ sơ cấp Phiếu LLTPQG đúng và trước hạn, trường hợp quá hạn là rơi vào các trường hợp xóa án tích.
Một trong những điểm nổi bật của Sở Tư pháp TPHCM là Sở đã thực hiện tốt việc cho ý kiến pháp lý cho các cấp ủy và chính quyền địa phương và được các cấp đánh giá cao, từ đó đã thể hiện được vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, Đồng chí Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP. HCM cũng chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong một số lĩnh vực như: hộ tịch, thi hành án dân sự. Riêng lĩnh vực THADS, lượng việc phải thi hành trong 6 tháng đầu năm là rất lớn, do đó, nếu không tăng biên chế được thì đồng chí kiến nghị xin được giữ nguyên biến chế hiện nay. Về giải quyết vụ án kinh tế, tham nhũng liên quan đến thẩm quyền do các cơ quan Trung ương chủ trì xét xử, thì việc thi hành có nhiều cái vướng, do đó, mong Bộ Tư pháp có trao đổi với các cơ quan thẩm quyền Trung ương để hỗ trợ và tiếp tục có các hướng dẫn trong việc thực hiện.
Đại diện của Sở Tư pháp TP Hải Phòng nêu bật vấn đề xây dựng văn bản của thành phố theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL – đây cũng là lĩnh vực có nhiều chuyển biến mạnh mẽ của thành phố. Trên cơ sở đó, đồng chí đưa ra một số kiến nghị có liên quan trong lĩnh vực xây dựng văn bản QPPL. Theo đó, để thực hiện Luật ban hành văn bản QPPL và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này, đồng chí đề nghị, Bộ Tư pháp sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34 của Chính phủ theo hướng đề xuất hướng tập trung sửa đổi một số nội dung như: hướng dẫn cụ thể hơn về việc xác định và phân loại văn bản là văn bản quy phạm pháp luật hay không phải văn bản quy phạm pháp luật để giúp các cơ quan tham mưu xây dựng ban hành văn bản xác định trình tự, thủ tục ban hành văn bản cho phù hợp; sửa đổi bổ sung các quy định hướng dẫn việc lập đề nghị báo cáo đánh giá tác động chính sách, báo cáo đánh giá tác động của thủ tục hành chính…
Tại Hội nghị, nhiều tham luận, chuyên đề chuyên sâu về một số lĩnh vực tư pháp được các đại biểu tham dự trình bày. Đồng thời, đại diện một số cơ quan nhà nước ở Trung ương cũng như một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cũng trao đổi, thảo luận, chia sẻ tại Hội nghị để hoàn thiện dự thảo Báo cáo sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp 06 tháng cuối năm 2020.
Qua thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cơ bản nhất trí với Báo cáo sơ kết và các Báo cáo chuyên đề. Bộ trưởng Lê Thành Long cũng trân trọng cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp trong cả nước. Điểm lại một số kết quả nổi bật của công tác tư pháp trong 06 tháng đầu năm, Bộ trưởng cho biết, toàn ngành đã tham gia sâu vào quá trình tổng kết các Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng của Đảng, hoàn thành khối lượng lớn Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 06 tháng đầu năm… Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó.
Để tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp, cơ quan THADS các cấp tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục ưu tiên, tập trung nguồn lực cho việc xây dựng, chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án; Tham mưu cho Lãnh đạo các Bộ, UBND các tỉnh/TP chuẩn bị kỹ Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng thi hành pháp luật; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ của Tổ công tác rà soát văn bản QPPL; Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tư pháp trên địa bàn, nhất là đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp như luật sư, đấu giá tài sản, công chứng; tập trung nguồn lực, kịp thời có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành các chỉ tiêu THADS được giao năm 2020, tập trung thi hành có hiệu quả án kinh tế, tham nhũng, thu hồi tiền, tài sản Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát…
Một số hình ảnh tại Hội nghị: