Ngày 15/6, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Bộ Tư pháp phối hợp Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức “Hội thảo tham vấn Báo cáo nghiên cứu về các quy định của Luật mẫu UNCITRAL liên quan đến công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài”. Tham dự Hội thảo có các đại diện từ Bộ Tư pháp, các Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự một số tỉnh, thành phố phía Nam, các trung tâm trọng tài thương mại, công ty luật, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài nói chung và việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài hiệu quả có một vai trò, tác động quan trọng đối với tiến trình Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, là yếu tố góp phần xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, minh bạch và quyết tâm cải cách pháp luật, cảnh cách tư pháp theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việt Nam luôn quan tâm và thực hiện chủ trương
hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp quốc tế (hoà giải, trọng tài) phù hợp với tập quán thương mại quốc tế, tăng cường ký kết các điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, từ năm 1995, khi tham gia Công ước Niu Ước 1958 về công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài nước ngoài (Công ước Niu Ước), Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện khuôn khổ pháp luật trong nước cũng như để thực thi Công ước. Nhờ đó, công tác này đã dần đi vào nề nếp và có bước tiến triển nhất định, số lượng quyết định không công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam đã giảm so với trước đây, các Bộ, ngành nhận được ít hơn những kiến nghị của các đối tác nước ngoài. Thứ trưởng khẳng định chủ trương và mong muốn của Chính phủ Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế và nỗ lực tổ chức thi hành đúng pháp luật. Để đạt được điều này, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật để hài hòa với pháp luật quốc tế.
Tại Hội thảo, các thẩm phán, luật sư, trọng tài và chuyên gia đến từ các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu đã bình luận, góp ý đối với dự thảo Báo cáo nghiên cứu về các quy định của Luật mẫu UNCITRAL liên quan đến công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài và thảo luận về khả năng áp dụng các quy định này của Luật Mẫu UNCITRAL tại Việt Nam dưới góc nhìn đa dạng. Bên cạnh đó, tham gia trực tuyến Hội thảo, Giáo sư Garnett, Richard L, Đại học Melbourne, Australia đã chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia về áp dụng, thực thi các quy định của Luật Mẫu UNCITRAL liên quan đến công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài và đưa ra một số đề xuất đối với Việt Nam. Đa số các ý kiến đều đề cao tính lý luận, thực tiễn của Báo cáo chuyên gia những nội dung nghiên cứu hữu ích cho cơ quan có thẩm quyền, cụ thể ở đây là Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao tham khảo để có đề xuất hoàn thiện thể chế pháp luật về trọng tài.
Ngoài nội dung Báo cáo, các đại biểu tham dự Hội thảo, chuyên gia quốc tế cũng trao đổi, thảo luận về các nội dung có liên quan: (i) Khác biệt về khái niệm phán quyết trọng tài nước ngoài của Luật Trọng tài thương mại 2010 và Công ước Niu Ước; (ii) Việc công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật mẫu UNCITRAL; (iii) Quyền yêu cầu không công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; (iv) Công nhận và cho thi hành phán quyết từng phần của trọng tài nước ngoài; (v) Vi phạm trật tự công theo quy định của Công ước Niu Ước và thực tế áp dụng của quốc tế. Đây là những vấn đề pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc quy định chưa cụ thể, gây khó khăn cho việc yêu cầu và giải quyết yêu cầu tại Việt Nam. Nhiều ý kiến tại Hội thảo đã đưa ra bình luận và đề xuất giải pháp áp dụng đối với Việt Nam.
Bà Phạm Hồ Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp nhận định: mặc dù các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có nhiều nỗ lực nhưng quy định pháp luật cũng như tổ chức thi hành pháp luật về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài còn có những hạn chế, bất cập, khoảng cách so với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Một trong các nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ sự phức tạp, đan xen các yếu tố pháp lý quốc tế, pháp luật nước ngoài và pháp luật Việt Nam trong bối cảnh năng lực và hiểu biết của cán bộ pháp lý Việt Nam còn chưa được như mong muốn. Điều này đòi hỏi Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan đầu mối về thực thi Công ước Niu Ước, Tòa án nhân dân là cơ quan xem xét yêu cầu công nhận và cho thi hành pháp quyết trọng tài nước ngoài tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những giải pháp cụ thể đặc biệt là vấn đề hoàn thiện thể chế từ đó nâng cao hiệu quả công tác này. Với mục đích đó, Bà Hương cám ơn ý kiến các chuyên gia, các tổ chức tại Hội thảo và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ các chuyên gia để Bộ Tư pháp thực thi tốt hơn nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phân công.
Phòng Tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế
Cùng với Công ước Niu Ước năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, Luật Mẫu của Ủy ban Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) về Trọng tài thương mại quốc tế năm 1985 (được bổ sung năm 2006) (Luật Mẫu UNCITRAL) là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng về trọng tài với mục đích hài hòa hóa pháp luật của các quốc gia về trọng tài thương mại; áp dụng thống nhất thủ tục tố tụng trọng tài để giải quyết hiệu quả các tranh chấp thương mại quốc tế, nhất là việc quy định rõ trách nhiệm của tòa án trong quá trình tố tụng trọng tài. Sự ưu việt của Luật Mẫu UNCITRAL thể hiện ở thực tế là cho đến thời điểm hiện nay đã có 83 quốc gia và 116 hệ thống pháp luật áp dụng các quy định của Luật này. |