Thực tiễn thi hành Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự trọng tâm cho nhóm yếu thế

17/06/2020
Thực tiễn thi hành Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự trọng tâm cho nhóm yếu thế
Ngày 16/06, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn “Báo cáo thực tiễn thi hành Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự trọng tâm cho nhóm yếu thế là phụ nữ và trẻ em” với mục tiêu thảo luận các định hướng chính sách lớn của đề xuất xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự.
Đồng chủ trì tại Hội thảo là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và bà Audrey-Anne Rochelemagne - Tùy viên, Phòng Quản trị và Pháp quyền, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam. Hội thảo thu hút sự tham gia của đại diện đến từ Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, một số Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, các văn phòng thừa phát lại khu vực phía Nam, các giảng viên và các chuyên gia độc lập.  
Tương trợ tư pháp (TTTP) có vai trò quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và quyết tâm cải cách pháp luật, cảnh cách tư pháp theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cùng với những kết quả đạt được, thực tiễn công tác TTTP thời gian qua cho thấy, việc thực hiện TTTP vẫn gặp nhiều khó khăn, kết quả thực hiện TTTP vẫn còn những tồn tại như còn một số lượng nhất định những trường hợp việc thực hiện kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu tố tụng. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm Bộ Tư pháp tiếp nhận và chuyển thực hiện hơn 4.000 yêu cầu TTTP của Việt Nam gửi đi nước ngoài và nước ngoài gửi đến Việt Nam. Trong đó đáng lưu ý là các yêu cầu liên quan đến các vụ việc hôn nhân gia đình chiếm hơn 70%. Con số này thể hiện một số lượng không nhỏ phụ nữ, trẻ em là một bên đương sự hoặc có liên quan đến vụ việc có thể bị ảnh hưởng đặc biệt khi các yêu cầu TTTP không có kết quả hoặc chậm có kết quả làm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc.
Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trong đó có thể chế pháp luật trong nước chưa đồng bộ, chưa đáp ứng với những phát triển mới của quá trình hội nhập và yêu cầu tố tụng, chưa tương thích với các quy định của pháp luật quốc tế có liên quan, đặc biệt trong bối cảnh pháp luật tố tụng trong nước và các cam kết quốc tế mới của Việt Nam có liên quan đã có nhiều thay đổi. Từ thực tiễn này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật TTTP về dân sự để hoàn thiện pháp luật TTTP về dân sự theo hướng hiện đại, khả thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ quy trình giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và vụ án hành chính được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng có liên quan, tăng cường khả năng thực hiện quyền tiếp cận công lý của người dân;
Với vai trò cơ quan đầu mối về TTTP về dân sự, vừa qua Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành nhiều hoạt động để tổng kết, đánh giá thực tiễn, nghiên cứu để đề xuất xây dựng Luật TTTP về dân sự. Hội thảo này là một trong hàng loạt các hoạt động mà Bộ Tư pháp triển khai nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ  nêu trên.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, chủ đề TTTP của Hội thảo là khá phức tạp và kỹ thuật, đòi hỏi những kiến thức nhất định về pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và pháp luật của quốc gia mà Việt Nam có hợp tác về TTTP. Tuy nhiên, đối tượng trọng tâm Hội thảo hướng tới là phụ nữ và trẻ em sẽ cho chúng ta một cách nhìn khác hơn, thôi thúc chúng ta cần phải làm tốt hơn, trách nhiệm hơn trong bối cảnh hiện nay. Hội thảo được tổ chức vào tháng 6 - tháng hành động vì trẻ em - đem lại nhiều ý nghĩa.
Tại Hội thảo, các cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện TTTP về dân sự, các chuyên gia từ nhiều góc độ cùng đánh giá về thực tiễn TTTP về dân sự thời gian qua đặc biệt là những vấn đề bất cập của quy định pháp luật để đưa ra các đề xuất cụ thể xây dựng Luật TTTP về dân sự, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn hiện đại hơn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, góp nâng cao hiệu quả của hoạt động TTTP đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu tố tụng trong nước, phục vụ cho tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Phòng Tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế