Bộ Tư pháp đứng thứ 3 về Chỉ số cải cách hành chính – PAR INDEX năm 2019

19/05/2020
Bộ Tư pháp đứng thứ 3 về Chỉ số cải cách hành chính – PAR INDEX năm 2019
Sáng ngày 19/5, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 (PAR index 2019) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS 2019). Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương; tại các điểm cầu trực tuyến có đại diện lãnh đạo UBND và Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan…. Về phía Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã tham dự Hội nghị.
Theo Báo cáo tại Hội nghị, xếp nhóm A, đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, về phía các bộ, cơ quan ngang bộ có 3 cơ quan lần lượt là: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp; về phía các tỉnh/thành phố có 01 tỉnh là Quảng Ninh. Về các chỉ số thành phần, Bộ Tư pháp nằm trong nhóm dẫn đầu về chỉ số thành phần chỉ đạo điều hành CCHC và chỉ số xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi QLNN của Bộ.
 

 
Chỉ số CCHC năm 2019 có giá trị trung bình tăng cao hơn so với năm 2018
Báo cáo kết quả PAR index năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đối tượng xác định Chỉ số CCHC năm 2019 cấp Trung ương gồm 19 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Văn phòng Chính phủ). Trong đó, 02 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại. Ở địa phương, đánh giá, xếp hạng cả 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 2019, Chỉ số CCHC cấp bộ và cấp tỉnh đều có giá trị trung bình tăng cao hơn so với năm 2018; sự chênh lệch điểm số giữa đơn vị đứng đầu và đứng cuối bảng xếp hạng đã giảm dần qua các năm. Đáng chú ý là trong năm 2019, 16/17 bộ và 62/63 địa phương có điểm đánh giá tăng cao hơn so với năm 2018. 
Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 là 85.63%, tăng 2.95% so với năm 2018.
Năm 2019 không có Bộ nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 80%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số CCHC năm 2019 cao nhất với kết quả là 95.40%. Bộ Giao thông vận tải có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất với giá trị 80.53%. 16/17 đơn vị có Chỉ số CCHC tăng hơn so với năm 2018, trong đó, Bộ Giao thông vận tải có giá trị điểm số tăng 5.4% so với năm 2018, là đơn vị có điểm số tăng cao nhất so với các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Bộ Công Thương có giá trị Chỉ số CCHC thấp hơn so với năm 2018 là 0.02%.
 

 
Chỉ số CCHC 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 81.15%, cao hơn 4.23% so với giá trị trung bình năm 2018 (đạt 76.92%) và là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây. So sánh giữa 63 địa phương, có 30 đơn vị đạt kết quả Chỉ số cao hơn giá trị trung bình của cả nước.

Bộ Tư pháp nằm trong nhóm dẫn đầu về Chỉ số chỉ đạo điều hành CCHC và xếp thứ 3 về chỉ số xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi QLNN của Bộ
Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của các Bộ, cơ quan ngang Bộ nói chung, Bộ Tư pháp nói riêng cho thấy có sự cải thiện đáng kể so với năm 2018. Kết quả này đã cho thấy những nỗ lực của Bộ, cơ quan ngang bộ trong việc tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành, tích cực tham mưu hoặc trực tiếp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, có nhiều giải pháp, biện pháp cụ thể góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng của CCHC.
Các Bộ cũng đã thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nội dung, nhiệm vụ CCHC tại đơn vị để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ. Các hoạt động như: Triển khai xác định Chỉ số CCHC của các đơn vị thuộc, trực thuộc (Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông); Triển khai thực hiện việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là những sáng kiến hiệu quả, góp phần đẩy mạnh CCHC trong những năm qua.

 
Cũng theo báo cáo tại Hội nghị, chỉ số chung của các Bộ, cơ quan ngang bộ về xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi QLNN là chỉ số duy nhất trong 7 chỉ số thành phần có giá trị dưới 80%, tuy nhiên kết quả của năm 2019 lại có sự cải thiện đáng kể so với năm 2018 (từ 75.26% năm 2018 lên 79.16% năm 2019). Điều này cho thấy sự nỗ lực của các bộ, cơ quan ngang bộ nói chung trong việc xây dựng VBQPPL trong năm theo Chương trình xây dựng pháp luật đã được phê duyệt; theo dõi thi hành pháp luật; xử lý VBQPPL sau rà soát và kiểm tra, xử lý VBQPPL
Gắn kết công tác cải cách hành chính với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn
Trong năm 2019, công tác cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tiếp tục được Lãnh đạo Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo thực hiện sát sao. Bộ Tư pháp đã kịp thời ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2019 cũng như các kế hoạch trong 06 lĩnh vực cải cách hành chính trọng tâm của Chính phủ theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg, Quyết định số 609/QĐ-TTg, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện; đã gắn kết công tác cải cách hành chính với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị thuộc Bộ; gắn công tác cải cách hành chính với công tác thi đua - khen thưởng…
Về cơ bản, Bộ Tư pháp đã hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2019. Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ đạt nhiều kết quả tích cực, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý VBQPPL được nâng lên rõ rệt. Công tác tuyên truyền, phổ biến có nhiều đổi mới, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truyền tải pháp luật đến người dân... Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng đã có nhiều sáng kiến trong việc thực hiện công tác cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính.
 
Chỉ số CCHC – là một công cụ quản lý giúp Chính phủ dễ dàng theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của các bộ, tỉnh thông qua phương pháp định lượng. Việc áp dụng Chỉ số CCHC thời gian qua đang mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, nhận được sự quan tâm rất lớn các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; luôn coi đây như một trong những căn cứ quan trọng để nghiên cứu, phân tích, đánh giá và ban hành các chính sách, biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu quả CCHC tại các bộ, địa phương.
 
An Như – Trung tâm Thông tin