Đây là nhấn mạnh của Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý tại phiên họp Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp để cho ý kiến về việc xây dựng đề xuất nhiệm vụ khoa học cấp Bộ năm 2021 chiều 14/5. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chủ trì phiên họp.
Báo cáo tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho biết, sau khi nhận được 47 đề xuất của các đơn vị, Viện đã tổ chức rà soát và mời các chuyên gia tham vấn ý kiến, trên cơ sở đó đã tổng hợp và dự kiến phân loại theo 03 nhóm ưu tiên. Cụ thể: nhóm ưu tiên 1 gồm 12 nhiệm vụ; nhóm ưu tiên 2 gồm 09 nhiệm vụ; nhóm ưu tiên 3 gồm 25 nhiệm vụ.
|
|
Trong đó, nhóm ưu tiên 1 được lựa chọn dựa trên các tiêu chí: tính cấp thiết và tính mới; tính hữu ích; quy mô và tính chất nhiệm vụ. Trong đó, các nhiệm vụ phải liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, cần được nghiên cứu ngay để giải quyết các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành ở thời điểm đề tài/đề án dự kiến được nghiệm thu, nhiệm vụ và chưa được Bộ Tư pháp hoặc các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trong 5 năm trở lại đây; Đề tài phải giải quyết được vướng mắc, bất cập trong thực tiễn xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật ở nước ta hiện nay với địa chỉ ứng dụng rõ ràng; có quy mô và tính chất phù hợp với đề tài/đề án nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
|
|
Các thành viên Hội đồng khoa học đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về các tiêu chí để xếp nhóm đề tài, dự kiến xếp nhóm các đề tài và gợi ý các định hướng nghiên cứu mới. Trong đó, 12 nhiệm vụ thuộc nhóm ưu tiên 1 đã được tập trung phân tích, đánh giá chẳng hạn như: Chính sách hình sự Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Hoàn thiện quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; Nghiên cứu xây dựng những định hướng chính sách lớn phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật THADS; Các giải pháp tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào cơ chế hợp tác đa phương và khu vực trong lĩnh vực THADS; Nghiên cứu xây dựng định hướng chính sách lớn phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng năm 2014…
|
|
Phát biểu tại phiên họp, Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý nhấn mạnh các nhiệm vụ được đề xuất cần có sự kế thừa những nghiên cứu trước đó liên quan tới các chiến lược của Bộ, ngành, đồng thời phải có những nghiên cứu lớn, để lại dấu ấn trong khoa học pháp lý đất nước. Đồng tình với ý kiến này, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên lưu ý cần phải chú ý tới tỷ lệ giữa nghiên cứu lý luận và nghiên cứu ứng dụng, đồng thời phải đảm bảo tính xâu chuỗi, hệ thống của các nghiên cứu.
Đánh giá cao những ý kiến sâu sắc, tích cực của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng bên cạnh các tiêu chí đã đề ra, các đề xuất phải đảm bảo có tính đến đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2021. Thứ trưởng cũng đề nghị bổ sung thêm tiêu chí cho các nhiệm vụ khoa học được đề xuất như phục vụ các hoạt động lớn, trọng tâm, mang tính then chốt của Bộ, ngành; có giá trị cốt lõi, đóng góp cho sự phát triển khoa học pháp lý đất nước…