Đại dịch Covid-19 liên tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu và ở Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các hoạt động kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội… Ngành Tư pháp cũng không nằm ngoài tác động tiêu cực từ dịch bệnh này. Nhưng đúng với tinh thần của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước rằng “trong nguy có cơ”, bối cảnh khó khăn đã thôi thúc cán bộ Tư pháp thêm phần chủ động để có được giải pháp đảm bảo hiệu quả công việc.
Năng động từ Trung ương
Trước tình hình dịch viêm phổi cấp Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị và giải quyết yêu cầu của người dân, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục Công nghệ thông tin (CNTT) đã chủ động chuẩn bị các phương án giải pháp về hạ tầng, kỹ thuật, sẵn sàng cho tình huống cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tuyến tại nhà.
Nhờ vậy, ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, Cục CNTT đã có những hướng dẫn kịp thời, hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ thực hiện việc tiếp nhận, phân công, xử lý và phát hành văn bản điện tử trên Phần mềm quản lý văn bản. Đối với các hoạt động hội nghị của Bộ, Cục CNTT luôn đảm bảo và sẵn sàng Hệ thống Hội nghị truyền hình VMeet giúp lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị kịp thời triển khai công tác chỉ đạo, điều hành.
Một trong những đơn vị đi đầu trong khối các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chủ trương của Ban Bí thư, Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 1185/BTP-VP ngày 31/3/2020 của Bộ Tư pháp về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 là Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).
Ngay khi có chỉ thị cách ly xã hội, Vụ PBGDPL đã tổ chức làm việc và họp thông qua hình thức trực tuyến tại nhà. Nhờ vậy, Vụ đã làm tốt được nội dung tổ chức cho công chức, viên chức và người lao động của Bộ sử dụng CNTT làm việc tại nhà trong 15 ngày, trừ trường hợp thực sự cần thiết như trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ mới đến làm việc tại trụ sở.
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cũng kịp thời khuyến khích các cá nhân, tổ chức sử dụng Hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm. Theo đó, Cục kêu gọi các tổ chức, cá nhân tăng cường, tích cực sử dụng hệ thống thay cho việc sử dụng phương thức đăng ký trực tiếp.
Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Bộ Tư pháp là giải pháp quan trọng, cấp bách và cần thiết để hạn chế tối đa việc tiếp xúc nơi đông người, việc đi lại, di chuyển, từ đó, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng, kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Để thực hiện đăng ký trực tuyến, các tổ chức, cá nhân chỉ cần làm thao tác rất đơn giản là đề nghị cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm thông qua việc kê khai thông tin theo mẫu Văn bản yêu cầu cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm, kèm theo Giấy tờ xác định tư cách pháp lý và gửi về Cục.
Lan tỏa đến các địa phương
Ở cấp Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đều rốt ráo với công việc, nhiệm vụ được giao và tinh thần ấy tiếp tục được các Sở Tư pháp duy trì, cùng “thắp sáng”.
Chẳng hạn trong công tác tuyên truyền, Sở Tư pháp TP HCM đã tích cực tăng cường cập nhật tình hình, diễn biến của dịch Covid-19 qua hàng loạt bài viết như “Giải thích về biện pháp cách ly để chặn virus Corona”, “Dốc hết sức ngày đêm làm khẩu trang phòng dịch”…; tổ chức giao lưu trực tuyến chủ đề “Hiểu đúng và đối phó dịch Covid-19” với sự tham gia của các bác sỹ nhằm giải đáp các thắc mắc, cung cấp kiến thức cơ bản cho người dân hiểu đúng và đối phó với dịch bệnh; phân tích pháp lý, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật như bài “Phải xử nặng người găm hàng, tăng giá khẩu trang”…
Hay trong công tác lý lịch tư pháp, nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch Covid-19, hạn chế việc cá nhân, tổ chức tiếp xúc, tập trung đông người tại trụ sở cơ quan để yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, Sở Tư pháp TP khuyến khích cá nhân có nhu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp thực hiện thông qua dịch vụ bưu chính công ích (Bưu điện TP HCM và Tổng công ty Cổ phần bưu chính Viettel cung cấp) để được nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại nhà hoặc tại địa chỉ báo phát theo yêu cầu của cá nhân.
Tương tự, tại Đà Nẵng, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Sở Tư pháp dù trong thời gian cách ly xã hội vừa qua vẫn duy trì việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân và DN. Tuy nhiên, Sở luôn khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của Sở Tư pháp để thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng; sử dụng dịch vụ bưu chính công trong việc gửi hồ sơ và nhận kết quả thủ tục hành chính.
Nổi bật trong số các tỉnh, thành phải kể đến Hà Nội. Sở Tư pháp Hà Nội luôn linh hoạt đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và đáng chú ý hơn cả là tinh thần hăng say sáng tạo này đi sâu đến cấp quận, huyện. Điển hình là quận Ba Đình liên tục đề xuất triển khai những mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL, với cách thức tuyên truyền linh hoạt.
Chỉ tính trong quý I/2020, UBND quận Ba Đình đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường triển khai toàn diện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó có việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Quận đã gửi 14 phường tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm do Sở Tư pháp biên soạn để tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh các phường…
Với sự vào cuộc quyết liệt, bài bản, trong đó có sự góp sức tích cực của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhận thức của người dân Thủ đô về công tác phòng chống dịch bệnh đã được nâng cao. Nhân dân tin tưởng cao vào đường lốiS chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, từ đó đồng thuận, đoàn kết, quan tâm, chia sẻ, tuyên truyền, vận động nhau chấp hành các biện pháp phòng chống dịch.
Cục Con nuôi cũng đã có thông báo về việc tiếp công dân và tiếp nhận hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tại Cục Con nuôi trong thời gian dịch Covid-19.
Theo đó, với các trường hợp cần được hướng dẫn thực hiện thủ tục nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, đề nghị các tổ chức, cá nhân liên hệ với Cục Con nuôi thông qua một trong các phương thức như: Gửi email theo địa chỉ cnqt@moj.gov.vn; Gửi thư, đơn đề nghị tới Cục Con nuôi qua đường bưu điện đến địa chỉ: Cục Con nuôi – Bộ Tư pháp, số 60 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội.
Trong đó nêu/trình bày rõ các thông tin và nội dung đề nghị được Cục Con nuôi hướng dẫn hoặc làm rõ (lưu ý để lại địa chỉ và số điện thoại của cá nhân có yêu cầu để Cục Con nuôi liên hệ, trao đổi và trả lời).
Hoặc liên hệ với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp.
Đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân muốn nộp hồ sơ con nuôi, Cục đề nghị tổ chức, cá nhân lựa chọn một trong các phương thức sau để thực hiện. Đó là nộp hồ sơ qua đường bưu điện tới Cục.
Tổ chức, cá nhân cũng có thể sử dụng dịch vụ bưu chính công ích đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nuôi con nuôi được phê duyệt theo Quyết định số 692/QĐ-BTP ngày 19/5/2017 của Bộ Tư pháp về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính thực hiện và không thực hiện tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc phạm vi giải quyết của Bộ Tư pháp.
Ngoài ra tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Cục Con nuôi cho biết, theo diễn biến của dịch Covid-19, Cục sẽ kịp thời thông báo khi Cục có thay đổi về phương thức tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi để các tổ chức, cá nhân được biết và thực hiện.
Thục Quyên
baophapluat.vn