Với vai trò là đơn vị đầu mối về hành chính của Bộ phận thường trực Tổ công tác, đồng chí Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã báo cáo Thứ trưởng tình hình triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác trong thời gian qua. Theo đó, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 12/02/2020 về việc phê duyệt Danh sách thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL đến nay, Cục Kiểm tra văn bản đã chủ trì, phối hợp với Bộ phận thường trực Tổ công tác tham mưu, trình Tổ công tác, Tổ trưởng Tổ công tác ký ban hành các văn bản phục vụ tổ chức và hoạt động của Tổ công tác, như: Quyết định thành lập Tổ giúp việc Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định thành lập Bộ phận thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủvề rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định ban hành Kế hoạch hoạt độngnăm 2020 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủvề rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định phân công thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc và Bộ phận thường trực tham gia các Nhóm rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Tư pháp theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các văn bản đã dự kiến được nội dung rà soát, thành lập được các Nhóm rà soát văn bản, nhiều cuộc họp về việc triển khai công việc đã được tổ chức. Đồng thời, Cục Kiểm tra văn bản đã gửi Công văn của Tổ công tác và các biểu mẫu hướng dẫn các Nhóm rà soát triển khai nhiệm vụ.
|
|
Tại buổi làm việc, các thành viên Bộ phận thường trực tao đổi thảo luận về cách thức triển khai việc rà soát, vai trò của các thành viên Bộ phận thường trực, thành viên Tổ giúp việc... Trong đó tập trung thảo luận kỹ về các thức triển khai nhiệm vụ rà soát độc lập, chuyên sâu đối với các chuyên đề, lĩnh vực do Bộ Tư pháp chủ trì, bao gồm:
(1) Rà soát quy định pháp luật về hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh trong kinh doanh, phá sản doanh nghiệp (Đ/c Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế là Thư ký); (
2) Rà soát quy định pháp luật về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp (Đ/c Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bổ trợ tư pháp là Thư ký);
(3) Rà soát quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế (Đ/c Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, là Thư ký).
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao sự tích cực, chủ động, trách nhiệm của Cục Kiểm tra văn bản và các đồng chí thành viên Tổ giúp việc, thành viên Bộ phận thường trực Tổ công tác. Thứ trưởng đề nghị các đồng chí tiếp tục phát huy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh kết quả rà soát theo Quyết định số 236/QĐ-TTg và Quyết định số 209/QĐ-TTg có sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan nên việc tham mưu tổ chức công việc cần khoa học, bảo đảm sự kết nối giữa các đơn vị để sử dụng hiệu quả kết quả rà soát văn bản. Việc triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác tại Bộ Tư pháp cần phát huy tinh thần chủ động, khẩn trương, không chờ kết quả rà soát của các bộ, ngành.
Về cách thức tổ chức thực hiện Quyết định số 209/QĐ-TTg tại Bộ Tư pháp, Thứ trưởng yêu cầu phải rà soát tất cả các nội dung thuộc lĩnh vực Bộ Tư pháp phụ trách. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực như: Thi hành án dân sự (các vướng mắc, mâu thuẫn liên quan đến công chứng, đấu giá tài sản,…); hợp đồng, tư cách chủ thể pháp lý; giải quyết tranh chấp trong kinh doanh (trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, hòa giải ở cơ sở); xây dựng pháp luật; đấu giá tài sản, công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm, phá sản doanh nghiệp; xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; các quy định giao dịch phải có phiếu lý lịch tư pháp; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; vấn đề doanh nghiệp trong nước với pháp luật quốc tế. rà soát văn bản về đầu tư nước ngoài…
Về công tác truyền thông, Thứ trưởng chỉ đạo cần khẩn trương mở một trang thành phần về hoạt động của Tổ công tác tại Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, trong đó bao gồm nhiều mục thay vì chỉ có 01 mục như hiện nay; thường xuyên, kịp thời đưa tin về hoạt động của Tổ công tác, đồng thời huy động sự tham gia rộng rãi của các chuyên gia, các hội, hiệp hội ngành nghề đặc biệt là chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực luật sư, công chứng, các công ty luật lớn thông qua việc thu thập các đề xuất văn bản có quy định vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không còn phù hợp với thực tiễn và lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia đối với kết quả rà soát văn bản./.