Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh tại buổi làm việc với Nhà xuất bản Tư pháp về kết quả công tác 4 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 8 tháng cuối năm 2020 của Nhà xuất bản Tư pháp diễn ra vào ngày 28/4/2020.
Tại buổi làm việc, thay mặt Nhà xuất bản Tư pháp, đồng chí Phó Giám đốc Quách Văn Dương đã báo cáo khái quát với Thứ trưởng về kết quả công tác của Nhà xuất bản Tư pháp năm 2019; kết quả cụ thể trong 4 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 8 tháng cuối năm 2020. Theo đó, năm 2019, Nhà xuất bản Tư pháp đã tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, đổi mới các mặt công tác; đẩy mạnh phối kết hợp với hệ thống các cơ quan tư pháp địa phương, hệ thống Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật trong cả nước; tăng doanh thu, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của công chức, viên chức, người lao động; bảo đảm đoàn kết nội bộ, nâng cao vị thế của đơn vị trong lĩnh vực xuất bản… Bước sang năm 2020, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, trước những khó khăn chung của ngành xuất bản và sự thay đổi trong văn hóa đọc, song Nhà xuất bản Tư pháp vẫn tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, với doanh thu đạt gần 47% so với chỉ tiêu Bộ giao năm 2020, hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ, công việc theo Kế hoạch công tác năm 2020 của đơn vị. Hình ảnh, thương hiệu của Nhà xuất bản Tư pháp tiếp tục nhận được sự tin tưởng của đối tác, tác giả và bạn đọc trong cả nước.
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Nhà xuất bản Tư pháp, Lãnh đạo các phòng, ban đã báo cáo cụ thể với Thứ trưởng về kết quả công tác, cũng như những khó khăn trong từng công đoạn của công tác xuất bản, trong đó đặc biệt là vấn đề về thu hút bản thảo, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hành, cơ cấu doanh thu, đồng thời trực tiếp kiến nghị với Thứ trưởng những giải pháp cụ thể, trước mắt và định hướng, chủ trương lâu dài.
Khẳng định trong thời gian qua Nhà xuất bản Tư pháp đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp giao, Giám đốc Hồ Quang Huy xác định năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với Nhà xuất bản Tư pháp vì là năm cuối thực hiện Đề án tự chủ tài chính giai đoạn 2018 - 2020, năm tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Đề án kiện toàn tổ chức, đổi mới hoạt động của Nhà xuất bản giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến năm 2020 để xây dựng Đề án về mô hình tổ chức, hoạt động của Nhà xuất bản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Giám đốc mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và cá nhân đồng chí Thứ trưởng, sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị có liên quan để đơn vị mạnh dạn thực hiện các cơ chế, cách thức đột phá, tạo động lực cho sự phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng, những kết quả đạt được và đóng góp của Nhà xuất bản Tư pháp đối với Bộ, Ngành Tư pháp, đối với cộng đồng xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, trong thời gian tới Nhà xuất bản Tư pháp cần không ngừng đổi mới, tiếp tục bứt phá, trong đó quan tâm, thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất: Tiếp tục chủ động, sáng tạo, phát huy tối đa nội lực, bằng quyết tâm chính trị để từng bước tháo gỡ những thách thức trong việc khai thác bản thảo, xuất bản, phát hànhh; gắn công tác xuất bản với công tác phổ biến, giao dục pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Không ngừng mở rộng mối quan hệ với các cơ quan thuộc hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương…
Thứ hai: Bổ sung một số nhiệm vụ vào kế hoạch công tác năm 2020 của đơn vị như: (i) Xuất bản các ấn phẩm phục vụ Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; (ii) Chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp để xuất bản các xuất bản phẩm về Bộ, ngành Tư pháp; (iii) Nghiên cứu, tổ chức xuất bản các sách về kỹ năng áp dụng pháp luật trong từng lĩnh vực quản trị nhà nước nhằm phục vụ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã;
Thứ ba: Đặt mục tiêu cụ thể từng năm trong giai đoạn 2020 - 2025 để tiếp tục phấn đấu, nâng cao hơn nữa doanh thu từ xuất bản, in, phát hành sách pháp luật; rà soát, nghiên cứu, đánh giá thật kỹ để xây dựng Đề án mô hình tổ chức của Nhà xuất bản Tư pháp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với các giải pháp toàn diện, đột phá, phát triển lâu dài, bền vững.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng, trong thời gian tới, tập thể Ban Lãnh đạo, viên chức, người lao động của Nhà xuất bản Tư pháp sẽ không ngừng đổi mới, bứt phá để giữ vững và phát huy thương hiệu của Nhà xuất bản Tư pháp trong làng xuất bản Việt Nam, góp phần vào sự phát triển chung của Bộ, ngành Tư pháp và công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân./.
Tổ Quản lý website Nhà xuất bản Tư pháp