Xử lý dứt điểm tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú vùng biên giới Việt - Lào

18/10/2019
Xử lý dứt điểm tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú vùng biên giới Việt - Lào
Ngày 17/10, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nhập quốc tịch, đăng ký hộ tịch cho người di cư tự do và kết hôn không giá thú theo Thỏa thuận cấp Chính phủ Việt Nam – Lào. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
1.176 người được nhập tịch Việt Nam
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, để giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú tại các tỉnh biên giới Việt Nam và Lào đã tồn tại nhiều năm qua, ngày 8/7/2013, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào đã ký Thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước. Thỏa thuận có hiệu lực 3 nămkể từ ngày 14/11/2013 và được gia hạn hiệu lực đến ngày 14/11/2019 với mục tiêu cố gắng giải quyết dứt điểm theo thủ tục nhanh gọn việc cấp các giấy tờ quốc tịch và hộ tịch cho những người đáp ứng các điều kiện của Thỏa thuận.
Với sự vào cuộc của UBND, các sở, ban, ngành của 10 tỉnh biên giới với Lào, theo Thứ trưởng, đến thời điểm hiện nay có thể hài lòng với những kết quả đạt được, danh sách người di cư và kết hôn không giá thú của cả 10/10 tỉnh đã được Trưởng đoàn Đại biểu biên giới phê duyệt, với tổng số 1.711 người. Trong đó, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định cho phép 1.176 người được nhập quốc tịch Việt Nam; 225 trường hợp cũng đã được trình Chủ tịch nước xem xét; số còn lại (gồm 300 trường hợp) đang được Bộ Tư pháp và các địa phương tiếp tục hoàn tất các thủ tục.
Sau khi có Quyết định của Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp đã phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định của Chủ tịch nước cho bà con. Thay mặt Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Ngọc ghi nhận và nhiệt liệt hoan nghênh sự quyết tâm vào cuộc của UBND, các sở, ban, ngành của 10 tỉnh, đặc biệt là Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch của các địa phương đã tích cực phối hợp với Tổ chuyên viên liên hợp của tỉnh trong quá trình thực hiện Thỏa thuận.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc triển khai thực hiện Thỏa thuận còn một số khó khăn, vướng mắc. Bởi thế, Thứ trưởng nhấn mạnh Hội nghị là cơ hội nhìn nhận lại kết quả, đánh giá những mặt đạt được, những điểm còn hạn chế để từ có tổ chức tốt Thỏa thuận cho đến khi kết thúc. Với tinh thần đó, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hay để cùng thảo luận, học hỏi.      
Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 7 tập thể đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện Thỏa thuận.
Có hướng giải quyết các trường hợp di cư tự do sau ngày 8/7/2013
Một số khó khăn, vướng mắc mà Thứ trưởng Ngọc đề cập được báo cáo của Bộ Tư pháp chỉ ra là việc thực hiện Thỏa thuận còn chậm dẫn đến việc phải gia hạn; công tác chia sẻ thông tin liên quan đến công tác phối hợp thực hiện Thỏa thuận từ Trung ương đến địa phương chưa thực sự thông suốt, hiệu quả. Một số địa phương chưa hiểu đúng quy định của Thỏa thuận dẫn đến bỏ sót, lọt đối tượng; kinh phí triển khai thực hiện ở từng địa phương còn hạn chế...
Vì vậy, để hạn chế, tiến đến chấm dứt tình trạng tái di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào, Bộ Tư pháp kiến nghị Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Thỏa thuận cần đề nghị phía Lào tích cực hơn nữa trong việc giải quyết cho nhập quốc tịch Lào đối với người Việt Nam di cư tự do hiện đang cư trú ổn định tại Lào thuộc đối tượng giải quyết theo Thỏa thuận. Đồng thời, đề nghị các tỉnh khẩn trương hoàn thành việc rà soát bổ sung, lập danh sách đối với các trường hợp bỏ sót trình Trưởng đoàn Đại biểu biên giới Việt Nam phê duyệt trong thời gian gia hạn thực hiện Thỏa thuận.
Ngoài ra, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cũng cần tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện Thỏa thuận báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án giải quyết phù hợp trên tinh thần Thỏa thuận đối với những người di cư tự do từ Lào sang Việt Nam sau ngày 8/7/2013 (ngày ký Thỏa thuận), nhưng họ có nhu cầu ở lại Việt Nam và có nguyện vọng nhập quốc tịch, đăng ký hộ tịch. Bộ Tư pháp đề xuất hướng giải quyết là cho phép miễn hoặc giảm lệ phí đăng ký hộ tịch (kết hôn, khai sinh), lệ phí nhập quốc tịch Việt Nam cũng như cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong việc cấp Thẻ thường trú – giống như người di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoàng Hải (Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao) cho rằng, tuy Thỏa thuận đã giải quyết cơ bản vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào tồn đọng từ trước tới nay, nhưng do nhiều nguyên nhân: khó khăn về quỹ đất sinh sống, canh tác; quan hệ huyết thống, họ hàng, thân tộc, tập quán du canh, du cư của đồng bào các dân tộc thiểu số hai bên biên giới… nên tình trạng tái di cư, di cư tự do, kết hôn không giá thú mới sẽ vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục.
Vì vậy, sau khi kết thúc Thỏa thuận, hai bên cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân về các chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quán triệt sâu rộng nội dung 2 văn kiện pháp lý biên giới Việt Nam - Lào, đặc biệt là các nội dung của Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào…
Để ngăn chặn, tiến tới giải quyết dứt điểm người tái di cư tự do và di cư mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý dân di cư tự do tại các tỉnh tuyến biên giới Việt - Lào, theo ông Nguyễn Trọng Toản (Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an), trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp. Chẳng hạn như, tiếp tục giải quyết đăng ký, quản lý cư trú, cấp Chứng minh nhân dân/căn cước công dân đối với các trường hợp đã được giải quyết vấn đề về quốc tịch, hộ tịch...
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư phát triển kinh tế vùng biên giới Việt – Lào, rà soát các quy hoạch chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới Việt – Lào...; xây dựng đầu mối, cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin thông suốt giữa các bộ, ngành và địa phương có liên quan của Việt Nam và Lào, giữa Công an các tỉnh biên giới của Việt Nam và Lào, đặc biệt chú trọng việc hợp tác, phối hợp với Lào để nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động di cư tự do trái phép trong vùng biên giới giữa hai nước...
Với số lượng người rất lớn được nhập quốc tịch Việt Nam lần này, đối tượng là hộ nghèo, không có nghề nghiệp, tỉnh Quảng Trị đang phải đối mặt với những khó khăn về giải quyết chế độ an sinh xã hội và đất đai canh tác cho người dân, đảm bảo cho họ được hưởng đầy đủ các chế độ của những công dân Việt Nam thực thụ. Đây chính là gánh nặng ngân sách mà tỉnh không thể gánh vác một mình. Do đó, bà Đào Thị Bình (Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị) đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ xem xét, có kế hoạch hỗ trợ kinh phí để thực hiện tốt công tác này.
Đối với người Lào không thuộc đối tượng của Thỏa thuận, trong việc tiến hành đăng ký kết hôn cho họ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về giấy xác nhận tình trạng hôn nhân... Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Tư pháp 2 nước xem xét, hướng dẫn giải quyết, tháo gỡ vướng mắc này để tạo thuận lợi cho đăng ký kết hôn vùng biên giới.
Đại diện Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn - ông Vũ Anh Sơn chỉ rõ, việc lập danh sách ở các tỉnh sát biên giới rất khó khăn, bởi vì bà con sống rải rác ở vùng biên giới, xa đơn vị hành chính và địa phương, đặc biệt là những trường hợp có hơn 1.000 người phải sống mà không có quốc tịch trong 6 năm. Vì vậy, cán bộ tư pháp, cán bộ liên ngành phải đến tận nhà, tận nơi bà con sống để có thể thu nhập thông tin một cách chính xác. Việc lập danh sách cũng có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Chưa kể cách điền vào form mẫu không phải đơn giản, mặc dù đã đơn giản hóa nhiều thủ tục. Bản thân bố, mẹ của gia đình không biết trong gia đình mình có bao nhiêu người con, không biết con mình tên gì.
Qua đó, phải có những chính sách giúp đỡ cho những người chưa có quốc tịch. Đặc biệt là với thời đại công nghiệp phát triển như thế này, phải làm sao để đồng bằng và vùng sâu vùng xa phải xích lại gần nhau, để cuộc sống càng ngày càng phát triển.
H.Thư – P.Mai