Có thể thẩm tra dự thảo văn bản nhiều lần
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết các ý kiến tại Phiên họp thẩm tra đều tập trung, xoay quanh những vấn đề dự kiến sửa đổi, bổ sung do Chính phủ trình và 4 vấn đề Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung. Ngoài ra, một số thành viên Ủy ban Pháp luật cũng phát biểu thêm một số vấn đề cụ thể khác trong quá trình áp dụng pháp luật tại địa phương và thực tiễn công tác trong lĩnh vực xây dựng pháp luật (như lấy ý kiến Nhân dân về dự án, dự thảo VBQPPL, vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã…).
|
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến báo cáo tại cuộc họp |
Cụ thể, về các nội dung do Chính phủ trình, các ý kiến tán thành với dự thảo Luật về nội dung sửa đổi liên quan đến cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành VBQPPL và đánh giá việc sửa đổi, bổ sung là phù hợp với kết luận của Ban Bí thư về cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng pháp luật. Các ý kiến cũng tán thành với nội dung sửa đổi, bổ sung về vấn đề lập đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh như trong dự thảo Luật.
Về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, đa số ý kiến đồng tình với nội dung sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật. Theo đó, các ý kiến đề nghị nhấn mạnh hơn nữa trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý; tăng cường vai trò của cơ quan chủ trì thẩm tra (có thể tiến hành thẩm tra nhiều lần)… Đồng thời, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong suốt quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh cho đến khi dự án Luật được trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các điều khác của Luật năm 2015, đặc biệt là những điều, khoản có liên quan đến nội dung sửa đổi này để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật.
Đồng tình việc bỏ quy định trong hồ sơ của dự án luật, pháp lệnh phải kèm theo dự thảo văn bản quy định chi tiết, nhưng đa số ý kiến đề nghị cơ quan trình nghiên cứu phương án thay thế để Quốc hội kiểm soát việc giao và ban hành văn bản quy định chi tiết. Chẳng hạn như thay vì trình kèm dự thảo văn bản quy định chi tiết, có thể yêu cầu cơ quan trình chuẩn bị danh mục và kế hoạch xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.
Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản nhất trí với việc bổ sung các trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và bổ sung thẩm quyền quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn như trong dự thảo Luật do Chính phủ trình. Tuy nhiên, để bảo đảm tính chặt chẽ, tránh lạm dụng quy trình này, thời gian tới, Ủy ban Pháp luật sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để chỉnh sửa một số nội dung cụ thể về kỹ thuật soạn thảo liên quan đến nội dung này…
Không nên lại “nới” thẩm quyền ban hành VBQPPL
Bên cạnh tiếp thu các ý kiến thẩm tra, Vụ trưởng Tuyến cho biết có một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi cho phép HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã được ban hành VBQPPL để quy định chính sách đặc thù ở địa phương (ví dụ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến học…) bằng nguồn lực của địa phương hoặc thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về vấn đề này, ông Tuyến giải trình, Luật năm 2015 hạn chế thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã là nhằm mục tiêu tinh giản hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tế là cấp huyện, cấp xã rất ít khi ban hành VBQPPL. Ngoài ra, qua nghiên cứu, khảo sát của Bộ Tư pháp, đa số các địa phương đồng tình với quy định hạn chế thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền địa phương do giảm được chi phí xây dựng và ban hành VBQPPL cũng giảm áp lực cho chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã trong việc ban hành văn bản. Hơn nữa, khoản 1 Điều 127 của Luật năm 2015 cho phép Chủ tịch UBND cấp huyện đề nghị UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định (quy phạm pháp luật) để áp dụng trên địa bàn huyện.
Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cơ bản tán thành với các đề xuất của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật. Riêng về mở rộng thẩm quyền ban hành VBQPPL, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Đồng Ngọc Ba quan niệm, quy định như tinh thần của Luật hiện hành là phù hợp, nếu cấp huyện, xã có đặc thù riêng thì đề xuất lên tỉnh để tỉnh quy định, chứ không cần mở thêm thẩm quyền. Nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cũng cho rằng cần giải trình vấn đề mở rộng thẩm quyền ban hành văn bản cho cấp huyện, xã bởi mở rộng thẩm quyền sẽ trở về tình trạng như trước đây là không nên…
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long đặt vấn đề, cấp xã “vướng” không được ban hành văn bản có phải là phổ biến hay không thì cần nghiên cứu, xem xét để có đề xuất phù hợp, có tính thuyết phục. Về các nội dung khác, Bộ trưởng yêu cầu cung cấp thêm nhiều thông tin, số liệu bổ sung cho từng nội dung, kể cả kinh nghiệm quốc tế.
Cũng liên quan đến nhóm các quy định về thẩm quyền ban hành văn bản, Bộ trưởng đề nghị lưu tâm đến việc bổ sung hình thức nghị quyết liên tịch “ba bên” giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và việc bổ sung thẩm quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước được ban hành thông tư liên tịch với Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Hay việc bỏ quy định trong hồ sơ của dự án luật, pháp lệnh phải kèm theo dự thảo văn bản quy định chi tiết, Bộ trưởng nhất trí và nhấn mạnh điểm quan trọng nhất vẫn là văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực đồng thời với luật, pháp lệnh.
Hoàng Thư