Hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm

04/07/2019
Hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm
Ngày 02/7/2019, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp ) đã phối hợp với Dự án Jica tổ chức Tọa đàm “Hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm” tại thành phố Hà Nội. Tọa đàm này là hoạt động tiếp nối Tọa đàm “Tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về giao dịch bảo đảm và định hướng hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới” vào quý I/2019 trong khuôn khổ hợp tác với dự án Jica với mong muốn hướng đến xây dựng các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn đã được tổng kết.
Tham dự buổi Tọa đàm có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Luật sư Edagawa Mitsushi – Quyền cố vấn trưởng của Dự án Jica và các đại biểu đến từ Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan Thi hành án dân sự, Văn phòng Chính phủ; các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội và các địa phương lân cận; các chuyên gia, giảng viên dạy tại các trường Đại học; các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; các tổ chức tín dụng; công ty cho thuê tài chính các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư….


Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, thực tiễn thi hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP và Bộ luật dân sự 2015 cho thấy vẫn còn có một số vướng mắc bất cập phát sinh trong thực tiễn giao kết, thực hiện giao dịch bảo đảm nhưng chưa có quy định pháp luật để giải quyết, tháo gỡ. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Bộ luật Dân sự năm 2015 được ban hành có nhiều quy định mới về giao dịch bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm đã đặt ra những yêu cầu mới trong việc hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm của Việt Nam mà trước mắt là việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự 2015 về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (thay thế cho Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP).

Báo cáo một số định hướng sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm, bà Nguyễn Quang Hương Trà – Phó trưởng Phòng quản lý nghiệp vụ cho biết việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP là nhằm: thể chế hóa những quy định mới của Bộ luật dân sự năm 2015 về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trên nguyên tắc phù hợp với các quy định của các luật có liên quan như Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm; đảm bảo nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền công dân của Hiến pháp năm 2013 và nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận của Bộ luật dân sự năm 2015 trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm; tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia giao dịch bảo đảm và cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc ký kết, thực hiện các giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đối với lĩnh vực giao dịch bảo đảm; kế thừa và pháp điển hóa các quy định pháp luật hiện hành về giao dịch bảo đảm còn phù hợp, trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật nước ngoài.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được nghe Ông Tưởng Duy Lượng – Luật sư, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, trình bày tham luận: “Thực tiễn giải quyết tranh chấp về giao dịch bảo đảm và kiến nghị các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm”; Bà Nguyễn Thị Phương – Luật sư, Giám đốc Ban pháp chế Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trình bày tham luận: “Một số kiến nghị sửa đổi, thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm từ thực tiễn của các tổ chức tín dụng ”.

Đại diện cho dự án Jica, ông Mitsushi Edagawa đã chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật dân sự Nhật Bản. Đối với phương hướng xây dựng Nghị định mới về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, ông khuyến nghị cần xem xét những điều khoản quy định về biện pháp bảo đảm trong Bộ luật dân sự 2015 xem có quy định nào cần bổ sung; những quy định nào của Nghị định 163/2006/NĐ-CP có thể kế thừa, giữ nguyên hoặc sửa đổi.
 
Trong khuôn khổ Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề về một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14, thực tiễn xét xử của Tòa án liên quan đến các vấn đề như bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho người thứ ba, thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, chuyển giao tài sản bảo đảm để xử lý, việc thế chấp đối với một số loại tài sản đặc thù,...; tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản đối với những vấn đề tương tự, đồng thời góp ý đối với các định hướng hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm trong thời gian tới.

Văn phòng Cục ĐKQGGDBĐ