Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia

24/06/2019
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia
Trong chiều ngày 24/6, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và chỉ đạo Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam".
Đến dự Hội thảo có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, Phó Chánh án TAND tối cao Lê Hồng Quang, đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế.
 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
 
Về phía Bộ Tư pháp có Bộ trưởng Lê Thành Long, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương; các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế; đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học và khởi nghiệp sáng tạo tham dự.

CMCN 4.0 làm thay đổi tư duy, cách thức xây dựng, hoàn thiện pháp luật
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã tổng hợp lại các ý kiến phát biểu tại 3 phiên thảo luận chuyên đề bàn về 3 nhóm chủ đề quan trọng diễn ra trong sáng nay. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đã nêu lên những điểm đáng lưu ý như:
 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu
cùng Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Tư pháp

 
Việc ứng dụng các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ làm thay đổi lối sống, lối sinh hoạt của mỗi người dân, cách thức đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ, mà còn làm thay đổi sâu sắc cách thức tư duy, cách thức xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nội dung của chính sách, pháp luật;
Những diễn biến mới của nền kinh tế chia sẻ, sự xuất hiện các dạng vi phạm pháp luật và tội phạm mới trên môi trường số làm phát sinh nhu cầu điều chỉnh pháp luật mới mà hệ thống pháp luật trong truyền thống chưa dự liệu hết. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cũng đã có nhiều nỗ lực để tin học hóa hệ thống quản lý hành chính nhà nước, xây dựng chính phủ điện tử và hướng tới chính phủ số. Các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã đầu tư hơn cho việc xử lý các tội phạm mới trên không gian mạng. Việc ứng dụng tòa án điện tử cũng đang được xúc tiến. Đi kèm với đó là việc hình thành phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến ở Việt Nam...
 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
 
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động tới nhiều lĩnh vực trong hệ thống pháp luật, trong đó phải kể tới các lĩnh vực quan trọng như sở hữu, quyền tài sản, sở hữu trí tuệ, hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tài chính, ngân hàng, bảo hộ dữ liệu cá nhân, an sinh xã hội, chính phủ số, quản trị công, chứng cứ số, tố tụng trực tuyến.
Việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tác động trực tiếp tới hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, đòi hỏi công tác xây dựng và thực thi pháp luật, phản ứng chính sách phải nhanh chóng, kịp thời hơn nữa...
Việc ứng dụng các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ điện tử và chính phủ số, xây dựng thành phố thông minh ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Phan Xuân Dũng

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn đến từ các doanh nghiệp công nghệ, các bộ quản lý ngành đã bàn về những yêu cầu mới trong việc thiết kế, xây dựng chính sách, pháp luật trong điều kiện mới, những vấn đề pháp lý đặt ra khi triển khai mô hình kinh tế chia sẻ, việc xây dựng chính phủ điện tử, đại diện của tập đoàn Samsung cũng chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc xây dựng chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ cao.
 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo này, đồng thời đánh giá cao thành phần tham dự Hội thảo cũng như  các chuyên đề tham luận tại Hội thảo mang tính thời sự, cấp bách hiện nay.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến cấu cấu trúc, các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài lề mối quan hệ đó. Thủ tướng chỉ ra, đó là việc thay lao động bằng tự động hóa, thay đổi toàn bộ mối quan hệ giữa chính quyền với người dân thông qua việc xóa bỏ các cơ chế trung gian, công nghệ kết nối trực tiếp, đặc biệt là thói quen tiêu dùng và hành vi ứng xử của toàn xã hội....
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội và khát vọng rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường, có thể ứng dụng công nghệ lõi, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây – những công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội. Những công nghệ tiên tiến cùng với chất lượng nguồn nhân lực, năng lực thể chế quyết định tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa đột phá nguồn tài nguyên công nghệ. Như vậy, có thể nói công nghệ - nguồn nhân lực - thể chế là chìa khóa phát triển cho Việt Nam.
Đứng trước cơ hội này, thời gian qua, Thủ tướng cho hay, Việt Nam đã có một số thành công đáng khích lệ. Theo đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng, dẫn đầu nhóm quốc gia tăng trưởng trung bình. Cụ thể, năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/100 quốc gia… Ngoài ra, Việt Nam đứng thứ 4 ASEAN về tốc độ internet, đứng thứ 3 ASEAN về tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh, đứng thứ 2 ASEAN về tốc độ tăng trưởng về thanh toán qua điện thoại di động.
 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu
 
Các nguồn lực đang dịch chuyển theo hướng tích cực, có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, một số doanh nghiệp công nghệ đã có bước tăng trưởng ngoạn mục, tạo dựng nên các thương hiệu uy tín như Viettel, VNPT, Vingroup, FPT…
Bên cạnh kỳ vọng thành công, theo Thủ tướng, chúng ta cũng cùng nhau nhận thức đâu là thách thức với Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0 để có giải pháp khắc phục. Đó là trình độ khoa học – công nghệ có khoảng cách khá xa so với các quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, nhất là khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học – công nghệ với phát triển ứng dụng vào đời sống xã hội, sản xuất; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún; nghiên cứu phát triển trong khu vực doanh nghiệp còn ít, thiếu kết nối hiệu quả với các trường đại học, viện nghiên cứu; chưa xây dựng môi trường chính sách, pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực, tận dụng thế mạnh công nghệ 4.0.
“Sự chậm trễ này đôi khi còn là rào cản làm nhụt nhuệ khí đổi mới sáng tạo, làm nản tâm huyết cống hiến, trí tuệ của nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, khiến chúng ta không thể đột phá và dễ tụt lại phía sau” – Thủ tướng tâm tư.
Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Việt Nam
 
Yêu cầu cấp bách trong thời đại công nghệ 4.0 là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nên Hội thảo là dịp để nhận diện rõ những vướng mắc về thể chế, pháp lý cần giải quyết, đồng thời đề xuất giải pháp, hiến kế với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trước hết, chúng ta cần nhận diện chính xác những vấn đề pháp lý phát sinh, đặc biệt khi công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang biến những vấn đề pháp lý quốc tế thành vấn đề pháp lý của quốc gia và ngược lại.
Điển hình được Thủ tướng nêu là trong lúc chúng ta đang nghiên cứu giải pháp điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ, tài sản mã hóa, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thì mới đây Facebook đã công bố chuẩn bị phát hành tiền điện tử, được nhiều công ty công nghệ lớn hỗ trợ. Những vấn đề này tác động trực tiếp tới chúng ta, đòi hỏi phải có phản ứng chính sách kịp thời và giải pháp pháp lý phù hợp. Vì vậy, Thủ tướng rất trân trọng các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu tại Hội thảo.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan
 
Nhắc lại nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho biết thêm ngay trong sáng 24/6 ông đã trực tiếp có khai trương E-cabinet, một nội dung quan trọng của Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số. Thủ tướng khẳng định tới đây sẽ có những chỉ đạo mang tầm chiến lược về dữ liệu số quốc gia trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư để hướng tới một Việt Nam số, trong đó tất cả ngành nghề, lĩnh vực đều hướng tới kết nối số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thay đổi không ngừng để thích nghi môi trường số hóa.
Bên cạnh xây dựng hạ tầng số hóa, tài nguyên số, hệ sinh thái kinh tế kỹ thuật số thì thể chế chính sách số là một nhiệm vụ quan trọng, tiên phong. Ngay với E-cabinet, Thủ tướng đặt câu hỏi đâu là thể chế để làm việc này thì chưa rõ, nên đây mới là thí điểm, rút kinh nghiệm. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tích cực hơn nữa trong thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những chỉ đạo chiến lược này, đẩy nhanh tốc độ thiết kế, thực thi chính sách, quy định pháp luật thì mới phát huy được năng lực sáng tạo, chủ động của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể xã hội khác trong nền kinh tế kỹ thuật số.
“Đây là cơ hội lịch sử mà những người làm công tác pháp luật cần tích cực nhấn mạnh, còn ngược lại sẽ bị ảnh hưởng. Việc thiết kế cơ chế, chính sách phải đồng bộ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với những tư duy mới phù hợp với xu thế thế giới” – Thủ tướng nói đầy thôi thúc.
Theo Thủ tướng, yêu cầu với hệ thống pháp luật là phải đảm bảo phát triển bền vững, an toàn, an ninh, chủ quyền quốc gia, lấy quyền và lợi ích công dân làm trọng tâm, thúc đẩy khoa học – công nghệ tiên tiến, khả năng đổi mới sáng tạo và xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đảm bảo quản lý nhà nước trên không gian mạng để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan. Trước mắt, cần nhanh chóng xây dựng khung chính sách đối với mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ cao, mô hình kinh tế chia sẻ, quản lý các tài sản kỹ thuật số, tài sản mã hóa, các phương thức thanh toán mới…
“Tư duy không quản được thì cấm là điều cần lưu ý trong xây dựng thể chế” – Thủ tướng nhắc nhở và cho rằng những vấn đề công nghệ 4.0 cũng liên quan trực tiếp đến quá trình hoạch định, xây dựng chính sách pháp luật. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực pháp luật cũng cần bắt kịp các xu thế mới.

Vụ trưởng Vụ Các Vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến
 
Ngoài ra, những công nghệ tiên tiến có thể ứng dụng được trong công tác thực thi thể chế, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật như công nghệ cảm biến thông minh, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật… hoàn toàn có thể ứng dụng trong phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật để kịp thời ngăn ngừa, xử lý vi phạm pháp luật, khắc phục tình trạng “nhờn luật” còn khá phổ biến trên nhiều lĩnh vực đang gây bức xúc xã hội.
Một điều quan trọng nữa là tư duy làm chính sách, pháp luật trong cách mạng 4.0 cần những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống mới thúc đẩy đổi mới sáng tạo… Bởi thế, các bộ, ngành cần khẩn trương rà soát pháp luật hiện hành, đánh giá rõ hơn về tính tương thích với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kịp thời có đề xuất hướng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Trước mắt, tập trung rà soát đề xuất khung pháp lý thử nghiệm các thí điểm của Chính phủ nhằm thúc đẩy mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ.
Đối với từng bộ, ngành cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp tập trung nghiên cứu, đề xuất những vấn đề đặt ra, tham mưu các giải pháp đẩy mạnh quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực thi hiệu quả pháp luật trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đảm bảo xây dựng, thực thi pháp luật luôn bắt kịp và đồng điệu với nhịp đập ngày càng nhanh của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân, doanh nghiệp. Bộ Tư pháp cần sớm hình thành ý tưởng chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn Viettel - ông Nguyễn Việt Dũng
 
Đặc biệt, Bộ Tư pháp đang được giao xây dựng sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cần nghiên cứu các vấn đề đặt ra đối với quy trình soạn thảo, ban hành, giám sát thực thi pháp luật, bảo đảm yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tận dụng thời cơ 4.0, xây dựng Chính phủ điện tử, công tác dự báo, phân tích phản ứng chính sách một cách kịp thời, chính xác, theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, xây dựng cơ chế phản hồi thông tin chính xác, nhanh chóng trong thi hành chính sách, pháp luật.
Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tận dụng cách mạng 4.0; Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu định danh quốc gia, hoàn thiện hướng dẫn thực thi Luật An ninh mạng; Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương đánh giá tác động của việc xuất hiện mô hình một số đồng tiền kỹ thuật số, sớm hoàn thiện ban hành các quy định về các hình thức huy động vốn cộng đồng mới.
Bộ Thông tin và Truyền thông thì tập trung thể chế, nguồn lực thúc đẩy hạ tầng công nghệ thông tin, sớm triển khai mạng 5G, phối hợp xây dựng hệ thống thanh toán điện tử; Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất sử dụng linh hoạt công cụ tài chính để làm đòn bẩy ứng dụng công nghệ, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về thuế nhằm khuyến khích nhân tài công nghệ thông tin nhưng đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế thu nhập của doanh nghiệp, cá nhân…
 
An Như - Trung tâm Thông tin, đưa tin từ Hội thảo