Bộ trưởng Lê Thành Long giải trình trước Ủy ban Pháp luật Quốc hội

24/04/2019
Bộ trưởng Lê Thành Long giải trình trước Ủy ban Pháp luật Quốc hội
Chiều 24/4, trong khuôn khổ phiên họp lần thứ 18, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng về công tác thẩm định và việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định trong chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh, Nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cùng dự có lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên giải trình.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác thẩm định văn bản trong quy trình xây dựng văn bản, ban hành chính sách. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác thẩm định có nhiều đổi mới, nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong kiểm soát và nâng cao chất lượng văn bản. Phiên giải trình này làm rõ những vấn đề làm được, cũng như những vấn đề chưa rõ, chưa được để kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Báo cáo một số nội dung của công tác thẩm định và việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Bộ đã thẩm định 71 dự án, dự thảo. Bộ Tư pháp đánh giá các cơ quan chủ trì soạn thảo cơ bản đảm bảo hồ sơ đầy đủ, chất lượng của các tài liệu trong hồ sơ từng bước được nâng cao. Về thời hạn thẩm định, quy định là 20 ngày nhưng trung bình Bộ Tư pháp hoàn thành việc thẩm định là 15 ngày. Đặc biệt, trong một số trường hợp, Bộ đã tập trung nguồn lực, huy động nhiều chuyên gia, nhà khoa học để rút ngắn thời gian mà vẫn đảm bảo chất lượng thẩm định (tổ chức thẩm định và có báo cáo sau 5 ngày).
Cũng theo Bộ trưởng, báo cáo thẩm định đã thể hiện đầy đủ các nội dung thẩm định, đều nêu rõ quan điểm về việc dự án, dự thảo có đủ hay không đủ điều kiện trình Chính phủ. Ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp được cơ quan chủ trì soạn thảo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đánh giá cao, các ý kiến thẩm định đều được cơ quan chủ trì tiếp thu…
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra việc chuẩn bị và gửi hồ sơ thẩm định vẫn còn trường hợp chậm, chỉ gửi công văn đề nghị thẩm định mà không có hồ sơ kèm theo hoặc hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đảm bảo chất lượng. Trong quá trình thẩm định một số dự án, dự thảo, sự phối hợp tham gia thẩm định của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan vẫn còn hạn chế, chưa bố trí được người tham gia hoặc cử cán bộ tham gia không đúng thành phần hoặc ít kinh nghiệm nên chất lượng ý kiến thẩm định chưa cao…
Về việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định, theo Bộ trưởng, phần lớn các báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đều được gửi đến Bộ Tư pháp khi trình Chính phủ. Tuy nhiên, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với một số dự án, dự thảo chưa tiếp thu đầy đủ hoặc có giải trình nhưng chưa thuyết phục; một số dự án, dự thảo chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ hoặc vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định vừa trình Chính phủ; có trường hợp dự án, dự thảo được bổ sung nhiều vấn đề mới sau khi thẩm định, Bộ Tư pháp phải phát biểu bổ sung tại phiên họp Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu có ý kiến thẩm định bổ sung của Bộ Tư pháp.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác thẩm định, Bộ trưởng cho hay Bộ Tư pháp sẽ tập trung thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định và giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; tiếp tục duy trì cơ chế hội đồng thẩm định, tăng cường các thành viên hội đồng là các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham gia vào quá trình thẩm định; ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình xây dựng, thẩm định dự án, dự thảo…
Báo cáo tình hình tiếp nhận, xem xét các dự án Luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do các Bộ, cơ quan ngang bộ soạn thảo, trình Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến tháng 10/2018, Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận xử lý 51 Dự án luật, 04 dự án pháp lệnh, 06 dự thảo Nghị quyết do các Bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ xem xét, thông qua để trình Quốc hội, UBTVQH. Các dự án trình Chính phủ cơ bản đã tuân thủ nghiêm túc, đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thành phần, số lượng, trình tự, thủ tục lập hồ sơ; phương thức…
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị, trong đó đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, sửa đổi Luật ban hành VBQPPL; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, nâng cao chất lượng thẩm định; kiên quyết từ chối không thẩm định dự án không đủ điều kiện thẩm định….
Thu Hằng – Hoàng Thư